Những kiến trúc nhỏ

Những kiến trúc nhỏ

   1. Hồi còn nhỏ, có lần tôi đi nghỉ mát cùng gia đình ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Trên đường ra Đồ Sơn xe có ghé qua trung tâm thành phố. Thành phố cảng ngày ấy để lại cho tôi nhiều ấn tượng: nào hoa phượng, nào nhiều xe container, nào nhiều thợ mặc áo xanh tan ca… Nhưng ấn tượng nhất là một dãy nhà mái ngói nhỏ xinh xinh nằm bên phố, để bán hoa. Khi xe đi qua tôi đã ngoái lại nhìn rất lâu.

   Mãi sau này, kể cả khi đã gặp những kiến trúc tương tự, tôi vẫn chưa biết gọi kiến trúc ấy là gì. Cho tới khi vào trường đại học, mới biết trong hệ thống đồ án gọi là: Kiến trúc nhỏ – mà điển hình là “Quán hoa”, “Quán sách”. Vậy nên thầy trò trường Kiến trúc vẫn gọi đồ án này là đồ án “Quán hoa”, “Quán sách”.

Quán hoa ở Hải Phòng
 

   Quán hoa ở Hải Phòng bán hoa, hiển nhiên rồi. Trong thể loại kiến trúc này, được xây dựng sớm, còn tồn tại, còn được sử dụng và có “danh” có lẽ chính những quán hoa nơi đây. Quán hoa Hải Phòng được xây dựng từ đầu những năm 40 thế kỷ trước, do viên đốc lý có tên Luyxiani chủ trì. Việc xây dựng những quán hoa (một hệ thống liên hoàn 5 quán) – dù là những kiến trúc nhỏ – nhưng là một kế hoạch được cân nhắc và chuẩn bị kỹ lưỡng. Hàng chục mẫu thiết kế đã được gửi tới thông qua cuộc thi và phương án được lựa chọn xây dựng có phong cách Á Đông với kết cấu gỗ và mái ngói truyền thống. Điều đáng nói, và đáng quý là từ khi ra đời, dãy quán hoa này vẫn chung thủy với nhiệm vụ và chức năng ban đầu, tuy có thay đổi nhưng không bị biến dạng về kiến trúc, không bị chuyển đổi chức năng, hay tệ hơn nữa là bị… dẹp bỏ.

   Nằm ở phố Hoàng Văn Thụ, kế bên Nhà hát lớn Hải Phòng và quảng trường trung tâm thành phố; dãy quán hoa là một hệ thống kiến trúc đặc sắc và quan trọng của không gian quảng trường, và trở thành một nét riêng, một biểu tượng kiến trúc – văn hóa của thành phố cảng.

“Quán tròn” trong khuôn viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội – Bán sách kiêm hàng giải khát
 

   2. Với sinh viên kiến trúc, đồ án có ý nghĩa nhất – sau đồ án tốt nghiệp – để lại nhiều ấn tượng, kỷ niệm có lẽ là đồ án đầu tiên – đồ án kiến trúc nhỏ. Tuy mỗi trường đào tạo kiến trúc sư có chương trình khác nhau, nhưng về cơ bản hệ thống đồ án môn học bắt đầu từ quán hoa, quán sách. Thực ra thì thể loại này cũng rất phong phú về chức năng sử dụng, thậm chí có thể hoán đổi công năng. Bên cạnh quán hoa, quán sách còn có quán giải khát, quầy lưu niệm, chòi nghỉ, trạm gác… nhưng từ lâu đã hình thành một thói quen gọi là đồ án quán hoa, quán sách. Và hình như quán hoa, quán sách cũng được sinh viên lựa chọn nhiều hơn. Phải chăng điều này xuất phát từ mối liên hệ tạo hình với sự vật cụ thể sang kiến trúc? Hoa và Sách – những sự vật này đều gợi những gì tốt đẹp tinh tế ở cả nội dung và hình thức.

Đồ án ”Quán hoa” của sinh viên Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh
 

Đồ án ”Quầy lưu niệm” của sinh viên Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh
 

   Đồ án đầu tiên, hồi tôi học ở trường (Đại học Kiến trúc Hà Nội), có tên là đồ án K1 (Đồ án kiến trúc số 1), bắt đầu làm ở đầu năm thứ 2. Tôi và nhiều bạn khác cũng vậy thôi, bắt đầu với tất cả sự háo hức, say mê và… ngô nghê. Chưa học kết cấu, chưa học cấu tạo; khả năng hình dung tưởng tượng với kích thước và không gian hạn chế, nhân trắc học bập bõm có khái niệm… Tất cả là những khó khăn. Và với đồ án này, yếu tố mặt bằng công năng lại đơn giản nên thường bắt đầu đặt bút là đi tìm… mặt đứng và phối cảnh – một điều khó nữa và hơi ngược với quy trình thiết kế thông thường.

   Chủ nghĩa hình thức thường được sinh viên được khai thác ở đồ án này. Đó là một điều ngớ ngẩn rất đáng yêu, mà chỉ lên năm sau thôi, nhìn nhau mà cười khi nhớ lại đồ án đầu tiên ấy. “Quán hoa hình hoa, quán sách hình sách” vẫn truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và thậm chí là một cách nói vui về chủ nghĩa hình thức trong kiến trúc.

   Dẫu vậy, đồ án kiến trúc nhỏ này có ý nghĩa rất quan trọng, là bậc thang đầu tiên trong hành trình để đạt tới ba chữ Kiến – trúc – sư.

   3. Tôi đã ngồi rất lâu để nghĩ tới sự hiện diện của những kiến trúc này ở Hà Nội và trên những chặng đường tôi đã qua. Kết quả là không có nhiều như tôi mong đợi.

Kiến trúc bên Hồ Gươm thời kỳ làm trụ sở đội tuần tra quản lý Hồ Gươm
 

Quán café bên Hồ Gươm – Hà Nội
 

   Ở nơi trung tâm nhất, nổi tiếng nhất Hà Nội chính là Hồ Gươm, còn lại hai kiến trúc loại này.  Một là quán Café Bốn Mùa Hapro ở bên phố Lê Thái Tổ, góc Tràng Thi – Hàng Khay. Quán luôn đông khách vì đây là điểm nhìn đẹp ra Tháp Rùa, và vì vậy kiến trúc này luôn bị vây bọc bởi ô che, rất khó có thể ngắm nhìn trọn vẹn. Một kiến trúc tương tự nằm ở đầu kia phố Lê Thái Tổ, gần nhà hàng Thủy Tạ, một thời gian dài được dùng làm… trụ sở cho đội tuần tra quản lý khu vực Hồ Gươm. Cả hai kiến trúc này có hình thức tương đồng. Nhưng điều đáng tiếc là cả hai – dù có tỷ lệ phù hợp và kiến trúc đẹp – không làm duyên thêm cho cảnh quan. Một thì bị che lấp quá nhiều; một thì lại chình ình ra với tấm biển to tướng cùng những bóng dáng nhân viên mặc sắc phục khiến người dạo bước qua cảm thấy khô khốc, không thiện cảm. Rất may cách đây một thời gian, cái trụ sở này đã được chuyển đổi chức năng làm dịch vụ cho cộng đồng.

   Bên trái lối vào Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội từ cổng Parabol (Đường Giải Phóng), có ba kiến trúc nhỏ xinh. Bạn tôi, cựu sinh viên, giờ là giảng viên trong trường nói rằng dân Bách Khoa gọi là “Quán tròn” (bởi có mặt bằng hình tròn). Những quán tròn này khá đẹp trong không gian cây xanh, có vị trí và tỷ lệ hài hòa với những tòa nhà giảng đường bên cạnh. Quán tròn đầu năm học hay được sử dụng như quán sách để bán giáo trình cho sinh viên mới nhập học, và thời gian khác là quán giải khát. Sở dĩ tôi gọi là quán giải khát chứ không phải quán café bởi vì sinh viên vào đây uống nhiều nhất là… trà đá. Quán tròn tồn tại lặng lẽ nơi này, ít được quan tâm tu sửa. Tôi e rằng một ngày nào đó người ta sẽ dẹp chúng, giống như chặt vài cái cây để lấy mặt bằng rộng rãi làm việc gì đó. Nghe vậy, bạn tôi bảo: Thế thì vào mà chụp ảnh ngay đi!

   Nhà bảo vệ, trạm gác, nhà bán vé cũng có thể xếp vào loại hình kiến trúc nhỏ. Nhưng người ta cũng ít quan tâm và đầu tư thì phải. Cùng với cổng, kiến trúc này có nhiệm vụ “đón tiếp” và là bộ mặt của cơ quan, đơn vị, hay là sự khởi đầu cho một hệ thống kiến trúc nào đó. Ở hai đầu cầu Long Biên, Hà Nội còn hai kiến trúc nhỏ, mái ngói – khởi thủy là trạm gác và giờ nó vẫn giữ chức năng tương tự. Đáng tiếc là hai trạm gác này đã quá xập xệ, chắc cũng khó tồn tại lâu!

Thể loại còn nhiều nhất, cả kiến trúc cổ và mới, và vẫn được xây dựng là chòi nghỉ. Chòi nghỉ dễ có chỗ “dung thân” hơn: Ở trong công viên, ở các khu resort, ở trong khuôn viên các công trình lớn, ở trên đường đi trong quần thể du lịch – thắng cảnh – di tích. Chòi nghỉ ở góc độ nào đó đơn giản hơn mấy thể loại kia, và không cần… quản lý vì chỉ có cột và mái.

Chòi nghỉ ở công viên ven bờ sông Hương (TP Huế) mang phong cách kiến trúc triều Nguyễn
 

4. Những kiến trúc nhỏ như càng ngày càng mai một. Chả thấy ai vẽ, ai xây quán hoa, quán sách… Phải chăng bây giờ cái gì cũng phải to mới oách? Hàng hóa phải ở cửa hàng lớn, siêu thị mới đắt? Kiến trúc sư nào cũng chỉ thích vẽ và tìm kiếm công trình lớn? Nhưng rõ ràng thực tế trong đô thị vẫn đầy rẫy như quán hàng, ki-ốt tạm bợ hoặc xây cất xấu xí với quy mô và tính chất bán hàng như những thể loại trên. Ở nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, vẫn tồn tại những quầy vé thô thiển, nhếch nhác. Quy hoạch xây dựng mới, quy hoạch cải tạo cũng thấy vắng bóng những kiến trúc này. Hay người ta nghĩ nhỏ thì làm ở đâu cũng được, lúc nào cũng được, trên quy hoạch chi tiết 1/500 cũng quá nhỏ khỏi cần vẽ. Một số công trình còn thì đang tồn tại yếu thế, lép vế hoặc không được khai thác đúng cách, làm giảm giá trị. Tôi thấy điều đó thật đáng tiếc và đáng suy nghĩ. Dựng một cái lều tạm bợ, một cái nhà mái tôn xộc xệch để bán hàng thì dễ. Nhưng đánh dấu trên bản quy hoạch hay mặt bằng tổng thể một cái chấm, ghi là quán hoa/ quán sách để xây cất đàng hoàng chắc cũng cần suy nghĩ. Và để có một kiến trúc tốt – thiết kế tốt cũng cần suy nghĩ. Mà cũng có thể chẳng cần suy nghĩ, bởi nếu lấy đồ án này của bao thế hệ sinh viên, bao nhiêu trường ra chọn lọc và ứng dụng đã có rất nhiều phương án khả thi. Tự nhiên ngồi tưởng tượng ra rằng: Một anh chàng nào đó (có thể là mình) một ngày đẹp giờ nhận được cú điện thoại: Alô, anh có phải là… tác giả đồ án… khóa 199x ở trường… Chúng tôi đang xem xét và muốn trao đổi với anh về ý định sử dụng phương án thiết kế này cho dự án xây dựng… Biết đâu có 5 cái quán sách sẽ ra đời!

Bài & ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh
© Tạp chí kiến trúc

CÔNG TY TNHH XÂY DỰNG VÀ NỘI THẤT SUN HOUSES