Ấn tượng tại ARCASIA 2020, Việt Nam có 3 công trình đạt giải Vàng
Ấn tượng tại ARCASIA 2020, Việt Nam có 3 công trình đạt giải Vàng
Vừa qua, Giải thưởng ARCASIA AWARDS FOR ARCHITECTURE (AAA) 2020, còn gọi là ARCASIA 2020 – Giải thưởng kiến trúc danh giá hàng đầu Châu Á đã công bố kết quả, trong đó, Việt Nam xuất sắc với 3 trên tổng số 11 công trình đạt giải Vàng, là Nhà mái đỏ (TAA Design); Homestay Nhà Nhím (A+Architects); Làng Mít (1+1>2 Architects).
Arcasia Awards for Architecture (AAA) là Giải thưởng do Hội đồng Kiến trúc sư khu vực châu Á (ARCASIA) tổ chức thường niên nhằm khuyến khích và công nhận những công trình tiêu biểu của các KTS đang làm việc tại Châu Á, thừa nhận các tác phẩm kiến trúc tiêu biểu và thông qua đó khuyến khích nuôi dưỡng tinh thần châu Á, sự phát triển và cải thiện môi trường xây dựng châu Á, nâng cao nhận thức về vai trò của kiến trúc sư trong phát triển kinh tế – xã hội và văn hoá của các nước châu Á. Ngày 30/12/2020, Hội đồng đã công bố kết quả Giải thưởng năm 2020, Việt Nam xuất sắc có 3 công trình được vinh danh Giải Vàng tại 3 hạng mục lớn gồm: (1) Hạng mục Công trình công cộng – khu nghỉ dưỡng: Làng Mít (Jackfruit Village) do Văn phòng 1+1>2 Architects thực hiện; (2) Hạng mục Nhà ở phức hợp: Homestay Nhà Nhím do A+ Architects thiết kế; (3) Hạng mục Nhà ở đơn lẻ: Nhà Mái Đỏ / Công ty TAA design. Theo BTC, giải thưởng ARCASIA cũng chứng minh một công trình kiến trúc tốt là yếu tố chính ảnh hưởng tích cực đến môi trường sống của con người và sự phát triển ở châu Á mà không trái với các giá trị văn hoá, bản sắc dân tộc hoặc môi trường tự nhiên của các nước đang phát triển ở Châu Á.
Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc các công trình đạt giải:
Công trình Nhà mái đỏ (TAA Design) đạt Giải Vàng Hạng mục Nhà ở đơn lẻ
Nhận xét của Hội đồng giám khảo: Dự án sử dụng giải pháp mái sáng tạo cho một ngôi nhà chi phí thấp, tạo ra một sân thượng trồng cây cho người sử dụng – những người nông dân sống tại làng quê Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa. Kiến trúc sư thiết kế một ngôi nhà không chỉ để đáp ứng điều kiện sống cơ bản mà còn giúp người dân địa phương thích nghi với cuộc sống đô thị một cách nhanh hơn. Ngôi nhà được xây dựng bằng vật liệu địa phương, thông gió, chiếu sáng tự nhiên tốt. Mái nhà không chỉ là vườn rau mà còn giúp công trình cân bằng nhiệt độ. Nhà mái đỏ đã nổi bật khi đưa ra giải pháp cân bằng cho lối sống đô thị và nông thôn tại những vùng quê ở hầu hết các nước Châu Á đang chịu tác động bởi quá trình đô thị hóa. Do đó, công trình được trao giải Vàng bởi Ban giám khảo.
Giới thiệu về công trình:
Nhà Mái Đỏ là một căn nhà nhỏ trên diện tích đất 80m2, nằm trên trục đường chính của ngôi làng. Đô thị hóa đã làm thay đổi diện mạo kiến trúc và không gian sống của ngôi làng này, những kiến trúc ở các đô thị được mang về đây đã phá vỡ cảnh quan, nếp sống quen thuộc của họ….
Ngôi nhà được xây dựng cho cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi, họ sinh ra và lớn lên trong ngôi làng này. Thói quen và văn hóa sử dụng ngôi nhà là điều quan trọng nhất khi chúng tôi tiếp cận dự án. Nếp sống hài hòa kết nối với tự nhiên, các hoạt động thường nhật là nông nghiệp, làm vườn, phơi thóc… Vườn rau, sân chơi đa năng trở thành linh hồn của những ngôi nhà trong làng.
Chi tiết công trình xem tại: Nhà mái đỏ
Homestay Nhà Nhím (A+Architects) đạt Giải Vàng ở Hạng mục Nhà ở phức hợp
Nhận xét của Hội đồng giám khảo: Dự án này đã phải đối mặt với nhiều khó khăn về đất đai, tài chính, mặt bằng và thời tiết, nhưng kiến trúc sư đã giải quyết chúng theo cách sáng tạo là chia toàn bộ tòa nhà thành nhiều mảnh với nhiều kiểu sống: Nhà cho người độc thân, cặp vợ chồng và gia đình tiêu biểu. Công trình tận dụng triệt để các vật liệu địa phương, tránh lãng phí và tái chế chúng thành các phần khác nhau của các tòa nhà. Khoảng không giữa mỗi ngôi nhà có các không gian tương tác và giao tiếp, có thông gió tự nhiên. Công trình là một điển hình cho mô hình nhà phức hợp nhiều gia đình.
Giới thiệu về công trình:
Dự án Homestay Nhà Nhím nằm trên một con dốc hẹp và dài với chiều rộng chỉ có 8m, nằm trên một sườn núi, bao quanh bởi khung cảnh thiên nhiên.. Các KTS đã sử dụng vật liệu tái chế để sáng tạo ra một không gian nghỉ dưỡng đặc biệt giữa Đà Lạt.
Làng Mít (1+1>2 Architects) đạt Giải Vàng ở Hạng mục Công trình công cộng – nghỉ dưỡng
Nhận xét của Hội đồng giám khảo: Các hình thức của kiến trúc tuân theo điều kiện địa điểm (cây cối, địa hình, gió, ánh sáng ban ngày) và tránh tạo ra nhiều gánh nặng cho môi trường hiện tại; Có tác dụng cải tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn nguồn nước sạch, điều hòa khí hậu khu vực và các vùng lân cận. Không gian chức năng bên trong xây dựng sự kết nối chặt chẽ với môi trường bên ngoài bằng hệ thống cửa sổ, bậc tam cấp, hành lang. Thiết kế hướng đến những tác động tích cực đến cộng đồng bằng lối sống lành mạnh, văn minh và bền vững bằng cách sử dụng các vật liệu quen thuộc tại địa phương. Đây là một mô hình nông thôn mới, tạo động lực đổi mới cho người nông dân trong quá trình hiện đại hóa ở đất nước, khơi dậy tầm nhìn về bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống.
Giới thiệu về công trình:
Khu đất dự án Làng Mít tại thôn Trại Láng, xã Cổ Đông, Cổ Lạc, thị xã Sơn Tây. Diện tích 1,7ha, hiện trạng đặc biệt có 38 cây mít, hồ nước bao bọc hướng Nam, Tây Nam. Ý tưởng chủ đạo: Hạt nhân cụm công trình là nhà thiền ở trung tâm, toả ra các đơn vị nương tựa vào gốc mít, tận dụng bóng mát cho các sân chơi xen kẽ.
Mọi không gian đều có sự xuất hiện của cây xanh và mặt nước. Mặt nước đóng vai trò hồ điều hoà, đối lưu không khí. Khu nhà ở kết hợp homestay với nhiều loại hình nhà, mỗi nhà là một trải nghiệm thú vị, toàn bộ vật liệu bao che công trình sử dụng gạch đất không nung, mái lá xoè rộng giảm tối đa bức xạ nhiệt.
Dự án tạo ra một không gian nghỉ dưỡng bình dị, thân thiện cho du khách, gợi mô hình nông thôn mới cho làng quê Việt, phát huy những giá trị tinh hoa văn hoá địa phương trong bối cảnh đô thị hoá làng quê.
Thu Vân – TCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc