(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2020)
Nguồn: https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/dau-an-cua-tinh-ban-dia-trong-kien-truc.html
“Kiến trúc bản địa” là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong thời gian gần đây để chỉ những kiến trúc dân gian tại các vùng địa văn hóa cụ thể. Sự hiện diện của yếu tố “bản địa” trong kiến trúc có tính phổ biến và có thể được xem là một tính chất đặc thù, có vai trò chi phối cách thức tổ chức không gian và xử lý hình thức kiến trúc. Tính chất đó có thể được gọi là “tính bản địa” trong kiến trúc. Đây là một khái niệm mới phản ánh sự chi phối của các đặc trưng văn hoá đối với kiến trúc trong phạm vi và ngữ cảnh của địa phương, góp phần làm rõ hơn vấn đề bản sắc trong kiến trúc.
Bảo tàng lịch sử quốc gia
Nhìn vào diện mạo kiến trúc – với các thành phần cơ bản là kiến trúc dân gian / truyền thống, kiến trúc hiện đại và đương đại – có thể nhận thấy:
Như vậy, trong đại đa số trường hợp, dù là tự nhiên / thụ động (được tích lũy theo thời gian, bằng kinh nghiệm / mô thức dân gian) hay có chủ đích / chủ động (được định hướng ngay từ khi thiết kế) – thì các công trình kiến trúc đều thể hiện những đặc trưng bản địa dấu ấn bản địa hóa. Do đó, sự hiện diện của “cái bản địa” trong kiến trúc có tính phổ biến và có thể được xem là một tính chất đặc thù, có vai trò chi phối cách thức tổ chức không gian và xử lý hình thức kiến trúc. Tính chất đó có thể được gọi là “tính bản địa” trong kiến trúc.
Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bảo tàng Hà Nội
Trong cả tiếng Việt và các ngôn ngữ phương Tây, “bản địa” không đứng độc lập (không phải là danh từ có thể đứng làm chủ ngữ) mà đều là tính từ bổ nghĩa cho đối tượng đứng trước nó. Trong tiếng Anh, “Vernacular” được xem như một danh từ vốn chỉ có nghĩa là một “thổ ngữ / bản ngữ” (khi đối chiếu với một ngôn ngữ chính thống được viết thành văn bản) – lấy từ chữ Latinh “Vernāculus” = gốc / nội bộ (trong phạm vi hẹp). Sau này, khi đề cập những đối tượng nói chung không đếm được (không xác định được cụ thể) thì vẫn cứ dùng “Vernacular” chứ không có các danh từ gốc “cái bản địa” hoặc “tính bản địa” như các chuỗi từ phổ biến (từ gốc -> danh từ -> động từ / tính từ / trạng từ).Trong khi đó, từ gốc Locus / Loci (tiếng Latinh) đã hình thành cả chuỗi Locale – Local – Locally – Locality – Localize / Localise – Localisation (chưa kể nhánh Locate / Location); nhưng Locality có nghĩa là “vị trí / khu vực” chứ không phải “tính địa phương”, Localize/se có nghĩa là “khoanh vùng / cục bộ hóa” chứ không hẳn là “bản địa hóa”. Đại đa số các nghĩa được chấp nhận hiện nay của “Vernacular” đều thuộc lĩnh vực ngôn ngữ, chỉ có một nghĩa về kiến trúc – để chỉ chung những kiểu cách địa phương (phân biệt với các phong cách lớn có tính hàn lâm / kinh điển). Một số từ phái sinh như Vernacularism / Vernacularity chỉ được dùng bởi một số tác giả, trong một số trường hợp chứ chưa được thừa nhận và phổ biến rộng rãi – VD: Vernacularism (= đặc từ / đặc ngữ) và Vernacularize (= dịch sang ngôn ngữ phổ thông) chỉ dùng trong Ngôn ngữ học;Vernacularity (= tính chất / trạng thái của cái bản địa) chỉ được ghi nhận trong Collins Dictionary (2014) Vernacularization (= quá trình / trạng thái bản địa hóa) cũng chỉ được ghi trong Webster’s Dictionary (1913), mà không có mặt trong các bộ từ điển phổ thông truyền thống. Hiện tượng này càng khẳng định thêm sự ra đời tương đối muộn của khái niệm “Bản địa” cũng như của những ý nghĩa mở rộng / phái sinh từ đó.
Như vậy, “Tính bản địa” nghe thì rất quen thuộc vì có thể đã được dùng ở đâu đó – nhưng xét về mặt hình thức của ngôn ngữ (ký hiệu học) thì là một từ mới – ít nhất là trong tiếng Việt (từ ghép: “tính chất” + “bản địa”). Đồng thời, xét về mặt ngữ nghĩa, thì “tính bản địa” trong kiến trúc là một khái niệm mới / thuật ngữ mới biểu hiện cụ thể hóa mối quan hệ thống nhất giữa Thiên nhiên – Kiến trúc và Con người trong phạm vi một địa phương, xem điều đó như một thuộc tính của kiến trúc trên cơ sở sự phối hợp và thống nhất các yếu tố nguồn gốc của môi trường tự nhiên (thiên tạo, tiền định) và môi trường văn hoá – xã hội (nhân tạo, thích ứng). Về mặt khoa học, cách hiểu như vậy sẽ giúp phân biệt rõ ý nghĩa và ngữ cảnh của “bản địa” (như một tính từ bổ nghĩa cho các đối tượng cụ thể) và “tính bản địa” (như một danh từ chỉ tính chất chung) để sử dụng trong nghiên cứu lý luận, phê bình được chính xác hơn.
KTBĐ – Kiến trúc bản địa
• 1.ĐKTN – Điều kiện tự nhiên, yếu tố môi trường cảnh quan thiên nhiên.
• 2.TTVH – Truyền thống văn hoá địa phương
• 3.NCSD – Nhu cầu sử dụng của người dân địa phương.
• 4.KNKT- Khả năng kinh tế của người dân địa phương.
• 5.KTĐP- Trình độ khoa học kỹ thuật địa phương.
Phân vùng kiến trúc bản địa
Có thể thấy rằng việc đặt vấn đề nghiên cứu “tính bản địa trong kiến trúc” là sự tiếp nối logic của quá trình phát triển trong nhận thức về mối quan hệ giữa “Truyền thống” và “Hiện đại” (tính Dân tộc -> Bản sắc dân tộc -> Bản sắc văn hoá -> Bản sắc địa phương/tính Bản địa), góp phần cụ thể hóa khái niệm “bản sắc dân tộc” để chuyển hóa từ văn hoá vào kiến trúc – với sự thống nhất các môi trường sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn trong một phạm vi lãnh thổ xác định, gắn với một cộng đồng người cụ thể, theo định hướng phát triển bền vững. Từ đó có thể mở ra phương cách hiển thị hóa mô thức VH-4 (“Tiên tiến và Bản sắc dân tộc”) trong kiến trúc và khả năng hiện thực để ứng dụng vào thực tế đa dạng tại các địa phương. Nếu vẫn tiếp tục theo đuổi vấn đề “dân tộc” mà chỉ tập trung vào người Kinh thì bất ổn và bất bình đẳng – vì cộng đồng người Việt Nam bao gồm tới 60 dân tộc khác nhau, người Kinh tuy chiếm đa số nhưng không phải là tất cả. Nếu hướng về quá khứ mà đặt trọng tâm vào các yếu tố “truyền thống” thì sẽ khó khăn hơn cho việc phát triển hiện đại hóa và sáng tạo – vì nhiều vật liệu truyền thống đã không còn phổ biến, kinh nghiệm và kỹ thuật truyền thống dễ bị thất truyền và lạc hậu / không áp dụng được với các vật liệu mới, bản thân các truyền thống cũng bị thay đổi và mai một theo thời gian,..
“Tính bản địa”và “Bản sắc địa phương” trong kiến trúc là 2 mặt thống nhất của cùng một vấn đề – sự biểu hiện cụ thể hóa bản sắc văn hoá tương ứng với môi trường sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn của địa phương, bằng các công cụ và ngôn ngữ kiến trúc. Trong đó, “bản sắc địa phương” là góc nhìn “từ trong ra”, hàm ý có sự liên hệ, đối chiếu với cái gốc là bản sắc văn hoá chung của cộng đồng; còn “tính bản địa” là góc nhìn “từ ngoài vào”, hướng đến những đặc điểm riêng để nhận diện kiến trúc ở chỗ này khác với ở chỗ kia. Hai góc nhìn này bổ sung cho nhau, người bên ngoài có thể chưa “hiểu” nhưng dễ “thấy” những hiện tượng cá biệt, những tín hiệu thị giác; người trong cuộc thì “hiểu” nhưng lại khó thoát khỏi những lối nghĩ đã quen thuộc. Vì vậy, không thể trông chờ các KTS ngoại quốc sẽ tìm ra những biểu hiện hiện đại hóa cái bản địa, hay bản địa hóa kiến trúc theo cách của họ – mà chính người Việt chúng ta phải vượt thoát được về tư tưởng để khách quan hóa tư duy, nhìn đa chiều hơn vào bản chất của vấn đề (vào cả những góc khuất và góc tối) để làm chủ kiến trúc của mình ngay trên đất nước mình.
Ths. KTS. Trần Mạnh Cường – Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2020)
Nguồn: https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/dau-an-cua-tinh-ban-dia-trong-kien-truc.html
Copyright © 2020 CÔNG TY TNHH XÂY DỰNG VÀ NỘI THẤT SUN HOUSES. Design by Nina