Động nhiệt đới giữa phố phường
“Động nhiệt đới” do KTS Đoàn Thanh Hà (H&P) Architects thiết kế. Đó là ngôi nhà ở trung tâm TP Bắc Ninh, diện tích đất 160m2 (9,7m x 16,5m) được ghép từ 2 lô liền kề. Mặt chính diện hướng Đông – Nam, nhìn sang khu vườn cây rất rộng của trụ sở UBND Tỉnh. Mặt sau hướng Tây – Bắc được che chắn bởi dãy nhà chia lô phía sau (đấu lưng qua khe thông thoáng và thoát nước rộng 1,20m). Kích thước và hướng nhà như vậy có thể gọi là lý tưởng để tạo dựng môi trường sống thoải mái theo những tiêu chuẩn cao cấp – kể cả làm biệt thự 4 mặt thoáng, với cả bể bơi và sân vườn. Và khi có lô đất rộng ở vị trí “vàng” như vậy thì chắc chắn là gia chủ cũng đủ tiềm lực để làm được ngôi nhà theo xu thế thời thượng nhất.
Nhưng nếu dễ dàng và thuận lợi như vậy – thì các KTS không cần phải suy nghĩ gì nhiều cho vất vả, và vì thế cũng không có đóng góp gì nhiều cho ngôi nhà. Ở đây, KTS Đoàn Thanh Hà (H&P Architects) đã đưa ra một cấu trúc không bình thường, tạm gọi là “nhà trong hộp”, với vỏ ngoài hình khối hộp đơn giản (thậm chí có phần khô khan) nhưng bên trong là những không gian xô lệch tạo nên hình ảnh phong phú và cảm nhận bất ngờ.
Còn nhớ 1-2 năm trước, Đoàn Thanh Hà đã thiết kế ngôi nhà “Hang gạch” ở một làng quê Đông Anh, với những bức tường gạch mộc chạy ziczac liên hoàn tạo nên một chuỗi các không gian thay đổi về chiều hướng và độ lớn. “Động nhiệt đới” là sự tiếp nối mạch tư duy về “hang động” của tác giả, nhưng ở đô thị Bắc Ninh và giải pháp cũng không bị lặp lại. “Động” thì to lớn hơn “hang” – cho nên có những khu vực rộng cả trăm mét vuông mà không bị chia cắt, có những khối lớn treo lửng lơ mà không cần cột / tường chống đỡ. Không gian và góc nhìn cũng liên tục biến đổi giữa các tầng – chỗ thì rộng mà thấp, chỗ lại hẹp mà cao, rồi vừa rộng vừa cao và thông lên trời bằng 2-3 ngả.
Cầu thang thì liên tục thay đổi vị trí và hướng đi – như là được cài / cấy vào các ngách hang. Ánh sáng cũng chuyển từ chỗ chói chang gay gắt (ở bên ngoài) thành những luồng sáng vừa phải rọi xuống từ trên cao (ở bên trong), rồi đến những khoảng nửa sáng nửa tối (ở những khe, ngách thấp và có chiều sâu). Nếu thêm vài sợi dây leo thả từ trên xuống, cùng vài đốm sáng phản chiếu hắt từ dưới lên, và những diện tường đừng quá chuẩn xác – thì ấn tượng sẽ thực sự là hoàn hảo.
Nhưng liệu có phải vì thế mà KTS Đoàn Thanh Hà đã hướng gia chủ phải theo thiết kế kiểu “hang động” của mình, không quan tâm / không tận dụng những lợi thế “trời cho” của địa điểm? Rồi từ đó dẫn đến cách tổ chức có vẻ “ngược đời” – khi mặt nhà hướng Đông Nam rộng ~10m nhưng chỉ có 2 phòng ngủ lớn “được” bố trí ở phía trước (mà không có ban công để ra hóng gió và ngắm cảnh), đa số phòng ngủ “bị” đẩy vào trong cùng (phải chiếu sáng và thông thoáng qua giếng trời) – Có lẽ không phải như vậy – Vì “Động nhiệt đới” vừa được vinh danh tại Giải thưởng Kiến trúc Xanh 2020 của Hội KTS Việt Nam (với Giải chuyên đề về Chất lượng môi trường sống). Có thể những điều kiện thuận lợi bên ngoài có tác động tích cực đến môi trường trong nhà, nhưng chất lượng cuộc sống không được định lượng bởi những tiện nghi xa hoa hay những vật liệu đắt tiền, sang trọng – mà là sự đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của con người. Và, vì vậy, cần có một sự đồng cảm giữa người thiết kế và người sử dụng. Ở Động nhiệt đới không thiếu diện tích và không gian để bố trí – Nhưng gia chủ không muốn dùng những khu vệ sinh “dát vàng” hay bể bơi nước nóng thông minh, không đòi hỏi những phòng giải trí Multimedia hay quầy bar hầm rượu; cũng không cần những cây cảnh có giá trên trời hay bể cá Koi thời thượng. Từ chối những yếu tố quá “ưu ái” (đến mức thừa thãi) của địa điểm “vàng”, hay tiết chế sự hưởng thụ trong sinh hoạt gia đình – chính là cách giúp cho con người cảm nhận được cái bản thể tự nhiên tự tại “của mình”.
Vậy thì tại sao ở thế kỷ 21, giữa TP thủ phủ Bắc Ninh, mà một gia đình “rất có điều kiện” lại muốn trở về với “hang động” (vốn là không gian cư trú cổ xưa nhất của con người ở thời tiền sử) – để cho Đoàn Thanh Hà có được sự đồng cảm bằng tư duy kiến trúc của mình? Với những người hàng ngày đang đi làm, rất có thể là để “trốn” khỏi cuộc sống hiện đại bất an với rất nhiều cạm bẫy và áp lực căng thẳng?! Với những người đã nghỉ hưu, “rửa tay gác kiếm”, có lẽ là nhu cầu trở lại tìm về cái bản thể tự nhiên thô mộc, mộc mạc (như kiểu cái “tương lai nguyên thủy” mà S.Fujimoto vẽ ra cho người Nhật)? Cũng có thể đơn giản là để thoát khỏi sự “bủa vây thị giác” bởi hàng loạt kiến trúc giả cổ, nửa Tây nửa ta (từ cái trụ sở cơ quan công quyền ở ngay trước mặt cho đến hàng loạt ngôi nhà liền kề ở xung quanh)? Còn với trẻ con, chúng tìm thấy ở đây một sự tự do, bất quy tắc, trái ngược với những không gian điển hình khô cứng của trường lớp – để mỗi lần trở về nhà lại là một lần khám phá nó? Và, như thế, cả gia đình 4 thế hệ đều sẽ thấy ngôi nhà là nơi chốn để đi về, nơi họ được tự nhiên tự tại “là chính mình”.
Nếu có gì còn chưa ổn ở Động nhiệt đới – thì chính là giải pháp mặt đứng liên quan đến yếu tố “nhiệt đới”. Về cơ bản, đó là sự phát triển kiểu cửa 2 lớp (“trong kính + ngoài chớp”) thành một khung cửa lớn bằng cả mặt nhà, với không gian đệm rộng (đủ để trồng thêm một lớp cây xanh). Các phòng nhìn ra đường đều dùng cửa kính khổ lớn, cách 2-3 m ở bên ngoài là những cánh cửa khung thép lắp lam gỗ cao suốt 2 tầng nhà. Có hệ thống cơ khí quay tay để vận hành đồng thời cả mảng 10 cánh (9m x 6m60). Tuy nhiên, sự đóng – mở đồng bộ ấy không phù hợp với nhu cầu sử dụng khác nhau giữa các tầng / các phòng. Nếu kích thước và số lượng cánh mở vừa phải và chỉ ở một vài vị trí cần thiết – thì việc đáp ứng sẽ linh hoạt và hình ảnh thị giác cũng hiệu quả hơn. Khi phần lớn hệ lam được cố định và chiều rộng lam gỗ lớn hơn thì khả năng chắn nắng sẽ cao hơn, đồng thời chặn được những tia nhìn không mong muốn từ bên ngoài, giữ cho các không gian riêng tư được kín đáo hơn (cụ thể là giảm thiểu hiệu ứng “đèn kéo quân” vào buổi tối).
Có những ý kiến cho rằng giải pháp mặt nhà theo kiểu nhân tạo như vậy là không tương thích với ý đồ về “động nhiệt đới” (là cái tự nhiên); hoặc đã là “hang” thì sao lại xây bằng “gạch” (?); hay nhà của người nghèo mà dùng vật liệu mới tinh thì không phù hợp (?)… Thực ra đặt một cái tên lãng mạn cho công trình đang là cách được các KTS “trẻ” sử dụng để gợi mở – hơn là để mô tả. Nhưng cái tên không nên chỉ là ý tưởng suy nghĩ chủ quan của tác giả, mà cần được kiểm chứng trong thực tế, phù hợp với những gì được nhìn thấy và cảm thấy trong kiến trúc. Vì thế không ít người tò mò chờ đợi xem công trình tiếp theo của KTS Đoàn Thanh Hà sẽ là sự nối tiếp chuỗi không gian “hang – ổ – tổ – động…” (?), sự phát triển mạch “ruộng – vườn” nông nghiệp (?), hay là theo đuổi bộ vật liệu “đất – đá – gạch – ngói – tre – gỗ…” (?). Thiết nghĩ điều quan trọng ở đây không phải là đặt tên cho cái mình làm, mà là hiện thực hóa nó như thế nào. Và nếu ở bên trong là hang – động, mà ở bên ngoài vẫn có thể là ruộng – vườn – thì sẽ là sự bất ngờ và thêm phần hấp dẫn.
Cuối cùng thì yếu tố làm nên cái “duyên” trong kiến trúc của KTS Đoàn Thanh Hà và các cộng sự tại H&P Architects (với một loạt công trình quy mô không lớn nhưng gặt hái những thành công không nhỏ) – là dùng cái thông thường theo những cách không bình thường để đạt được hiệu quả khác biệt. Những chất liệu thông dụng (gạch, đá, gỗ, thép,..) làm nền sẽ tạo nên cảm giác quen thuộc, và khi đặt trong những giải pháp không bình thường (về không gian, kết cấu, sử dụng,..) sẽ tạo thêm ấn tượng về sự mới mẻ, sinh động mà không bị lặp lại nhàm chán. Không cần phải thật nhiều lời, thật mạnh mẽ, nhưng nó đòi hỏi sự vận động không ngừng trong tư duy sáng tạo của tác giả – Điều mà Đoàn Thanh Hà đã rất nỗ lực làm được trong những năm gần đây và hy vọng là sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai.
TS.KTS Nguyễn Trí Thành
Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2020)
Nguồn: https://www.tapchikientruc.com.vn/tac-gia-tac-pham/dong-nhiet-doi-giua-pho-phuong.html