“Sự xói mòn” ý tưởng dự án cuối cùng của Zaha Hadid
KTS. Zaha Hadid là người gốc Anh, sinh ra ở Baghdad, (Iraq). Bà là cử nhân Toán học trước khi trở thành KTS (tốt nghiệp trường Kiến trúc London – Architectural Association School of Architecture). Là học trò của KTS. Rem Koolhaas, từ năm 1979, bà thành lập hãng thiết kế riêng ở Luân Đôn và có các công trình mang nặng tính tư tưởng với những hình khối động. Bà là giáo sư giảng dạy nhiều đại học lớn tại Đức, Mỹ, Áo trong số đó có Trường thiết kế – Đại học Harvard, Đại học Chicago, Đại học Columbia, Đại học Nghệ thuật ứng dụng Wien ở Áo. Hadid mất ngày 31/ 3/ 2016, do ngừng tim tại một bệnh viện ở Miami, Mỹ.
- Tên công trình: The opus
- Vị trí: Dubai, UAE
- Diện tích: 84,345 m2.
- Chiều cao: 93m.
- Kiến trúc sư: ZaHa HaDid
- Đơn vị thiết kế: Omiyat.
- Chi phí đầu tư: 465 triệu đô
- Năm xây dựng: 2007
- Năm hoàn thành: 2017
Là người phụ nữ đầu tiên đoạt Giải Pritzker (năm 2004 sau 25 năm hành nghề độc lập), Hadid đã phá vỡ định kiến “Phụ nữ không phù hợp và không thể tỏa sáng trong ngành Kiến trúc”.
Là nữ kiến trúc sư Việt Nam, đất nước bắt đầu có vị trí trên bản đồ kiến trúc sư thế giới, tôi thầm biết ơn Bà. Nhân kỉ niệm 70 năm ngày sinh của Bà, tôi muốn viết về ý tưởng cho dự án cuối cùng mà Bà để lại cho nhân loại: The Opus, Dubai, Tiểu Vương quốc A Rập thống nhất.
Opus là một thiết kế rất thành công của Zaha Hadid, một tòa nhà mới của Tập đoàn Bất động sản Omniyat, có chức năng thương mại và khu bán lẻ hỗn hợp ở Vịnh Business, Dubai theo trường phái gairi tỏa kết cấu. Thiết kế này đã được công bố ở Anh vào tháng 5/ 2007 tại một sự kiện được tổ chức ở Bảo tàng Quốc gia. Tòa tháp có dạng giống như một khối lập phương “lơ lửng” trên mặt đất. Khu phức hợp được cấu trúc bởi ba tòa tháp riêng biệt nhưng cả tòa nhà lại được nhìn thấy như một thể thống nhất độc đáo, với một không gian đặc biệt có thể nhìn xuyên qua ở giữa, nơi được gọi là “khoảng trống”.
Mehdi Amjad, Chủ tịch kiêm CEO của Omniyat cho biết: “Dự án Opus kết hợp giữa nghệ thuật và tính kinh tế, giữa hình thức và công năng, vị trí chiến lược, cảnh quan tuyệt đẹp và nhiều tiện ích khác làm cho dự án Opus trở thành sự lựa chọn chiến lược cho các nhà đầu tư tiềm năng có thể mong đợi lợi nhuận đáng kể từ khoản đầu tư của họ”
Dự án được ra mắt tại triển lãm bất động sản Citiscape ở Dubai vào tháng 10/ 2007. Đầu tư cho tòa tháp Opus đã tiêu tốn khoảng 465 triệu đô la. Việc xây dựng Opus bắt đầu vào quý 4/ 2007 và hoàn thành vào năm 2011.
Bối cảnh vị trí công trình: Nằm trên một khu đất trống lớn và gần những tòa nhà chọc trời khác, ở vị trí vốn là một thương cảng cổ với ngành công nghiệp ngọc trai thịnh vượng, bờ biển vàng Viễn Đông đầy ắp lụa và sứ. Ngày nay, Dubai là nơi mà sự sang trọng của Ả Rập hội tụ với phương Tây, sự sung túc của thế kỷ 21, tạo ra một bầu không khí đặc biệt không giống bất kỳ nơi nào khác trên trái đất.
Vấn đề của thời đại: Sự xuất hiện của công trình đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nơi này, hình thành Khu Business Bay, những tòa nhà chọc trời, những khu trung tâm thương mại, khách sạn lần lượt được xây dựng,… Tuy nhiên đi cùng với sự phát triển vượt bậc đó chính là vấn nạn ô nhiễm, hủy hoại môi trường do sự phát triển của các ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp,.. tại khu vực này.
Nhu cầu của nhà đầu tư: Dubai không ngừng phát triển, và chính thành phố 24/7 này đã là một ý tưởng. Đây là một sự kết hợp của những điểm đặc trưng của thành phố, sự đa dạng các quốc gia, biểu hiện rõ ràng nhất của sức sống Dubai chính là tham vọng về thị trường bất động sản và Opus tự hào trở thành một phần của bức tranh đó.
Nhu cầu sử dụng chính: Công trình dành cho mọi lứa tuổi và mọi nền văn hóa, các du khách quốc tế và cư dân địa phương, những người có thu nhập cao, các doanh nghiệp đa quốc gia… Điều này cần sự cân bằng giữa dịch vụ đa văn hóa, phù hợp cho cả địa phương và khách quốc tế, cung cấp cơ hội kinh doanh, thư giãn độc đáo khi khách đến công trình này (các dịch vụ sẽ gồm thương mại, khách sạn, văn phòng, nhà hàng, quán bar…).
Tuy nhiên, sự phát triển đa quốc gia tại Dubai đã và đang gây ra các nhu cầu lớn về làm việc, mua bán, du lịch, dịch vụ,… của con người, gây ảnh hưởng đến môi trường. Đây là xuất phát ý tưởng về SỰ XÓI MÒN/ The Erosion của Hadid.
Sự xói mòn
Năm 2007, sự phát triển của Dubai cực kì mạnh, điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường tại đất nước này, thấy được điều đó Zaha Hadid đã muốn mô phỏng lại quá trình xói mòn hay ăn rỗng tự nhiên của các vật chất như nước, đá, đất, cát, cây cối… Bà quan sát và nghiên cứu tỉ mỉ từ tự nhiên rồi vận dụng vào các thiết kế của mình. Chiều của không gian ăn rỗng có thể tiến từ ngoài vào trong nhà, hoặc từ trên xuống dưới xuyên qua các mặt bằng. Các không gian này đóng vai trò là giếng trời, là hang động nhân tạo cung cấp gió và ánh sáng vào bên trong công trình; đồng thời là không gian thư giãn cho người sử dụng. Hình khối chung của công trình có những điểm nhấn hết sức ấn tượng. Công trình như đánh vào tiềm thức của con người về giá trị cốt lõi của tự nhiên.
Khi được hỏi về động lực khi thiết kế tòa nhà, Zaha Hadid cho biết: “Đây là một tòa nhà thách thức các khái niệm truyền thống về không gian văn phòng. Nó không chỉ có ấn tượng về mặt thị giác, nó còn là một không gian có thể làm việc được và là nơi cho phép mọi người trải nghiệm môi trường làm việc chất lượng hơn, sử dụng những tiến bộ công nghệ mới nhất”.
“Opus là một tòa nhà nổi bật, không gian linh hoạt, thoát li truyền thống về chức năng văn phòng. Tất cả các khía cạnh của dự án đã được thiết kế rất chi tiết để mang lại hiệu quả sử dụng tối ưu, với các vật liệu có độ bền, có hiệu quả khi vận hành và bảo trì, đồng thời giảm tiếng ồn, duy trì sự riêng tư “
Được thiết kế thành hai tòa tháp riêng biệt, hợp nhất thành một tổng thể có hình dạng của một khối lập phương. Hai tòa tháp sẽ được liên kết với nhau bởi một khối đế bốn tầng và một cây cầu ba tầng không đối xứng, cao 71 mét. Hình ảnh độc đáo của mặt đứng trước và mặt đứng sau của công trình là 2 trạng thái bị ăn mòn: Ăn mòn một phần và ăn mòn hoàn toàn đã tạo ra cảm xúc rất mạnh mà ngôn ngữ hình thức kiến trúc có thể diễn tả được. Mảng kính trong suốt là tấm gương soi toàn bộ những khối bê tông đồ sộ và đường chân trời của thành phố. Mặt đứng chồng lớp bê tông, kính thép này cũng đồng thời trở thành bức tranh lột tả rõ nét nhất sự xói mòn, sự hủy hoại thiên nhiên của các đô thị hiện đại như Dubai.
Theo tôi, tư tưởng của KTS. Zaha Hadid lớn hơn cả hình khối độc đáo của những dự án mà bà để lại cho nhân loại. Theo trường phái giải tỏa kết cấu nhưng không bị rơi vào trạng thái lạm dụng ngôn ngữ tạo hình hoặc “nệ hình”, Bà “bắt” những hình khối hình học phải phục vụ tư tưởng của Bà.
(Bài viết này dành để kỉ niệm 70 năm ngày sinh của nữ KTS xuất sắc nhất Thế giới – Zaha Hadid – 31/10/1950)
Nguyên Hạnh Nguyên – Đại học Kiến trúc TP. HCM
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2020)