Thiết kế cảnh quan – Tạo lập không gian sống tốt ở nông thôn Việt Nam

Thiết kế cảnh quan – Tạo lập không gian sống tốt ở nông thôn Việt Nam

   Kiến trúc và quy hoạch bền vững đúng định hướng, kết hợp với các quy định cụ thể về kiểm soát thiết kế, quy hoạch có thể góp phần nâng cao chất lượng sống ở nông thôn Việt Nam – Đây là nội dung được đưa ra tại Tọa đàm “Thiết kế cảnh quan, tạo lập không gian sống tốt ở nông thôn Việt Nam, do Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam, Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ của Hội KTS Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 25/11/2020 vừa qua, tại Trụ sở Hội KTS Việt Nam, số 40 Tăng Bạt Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Làng cổ Đường Lâm
 

Làng cổ Đường Lâm – Một trong những Làng du lịch – di sản hiện nay
 

   Ở kỷ nguyên bùng nổ dân số và toàn cầu hóa như hiện nay, chúng ta thường rất bị động, lúng túng trong việc hỗ trợ những cộng đồng này thiết lập, phát triển các mô hình định cư phù hợp với cuộc sống đương đại đồng thời tiếp biến hiệu quả truyền thống bản địa. Thời kỳ đổi mới, kiến trúc quy hoạch nông thôn miền núi vẫn tạm bợ, chắp vá, đơn điệu, thiếu nhân văn và chưa có ý thức kế thừa, phát huy di sản ông cha. Ngay tại tham luận đề dẫn, KTS Hoàng Thúc Hào – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đã nhấn mạnh quan điểm: “Tạo dựng kiến trúc hiện đại – bản địa nói chung và khu vực nông thôn, miền núi nói riêng là thách thức, trách nhiệm toàn xã hội, trong đó, KTS giữ vai trò then chốt.” Tại tọa đàm, các KTS, chuyên gia đầu ngành đã cùng thảo luận và đưa ra những khuyến nghị để tạo lập không gian sống phù hợp với sự thay đổi của thời đại, đồng thời gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống ở nông thôn.

KTS. Hoàng Thúc Hào – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm
 

   Đối với sự chuyển mình của nông thôn Việt Nam ngày nay, chúng ta có thể nhìn nhận, đánh giá trên nhiều góc độ khác nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là góc độ từ “người trong cuộc”. TS. Bạch Quốc Khang – Cố vấn Ban Chủ nhiệm Chương trình KHCN phục vụ Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2021 đã chia sẻ những nghiên cứu về “Tạo lập không gian sống tốt ở nông thôn nhìn từ góc độ sinh kế của người dân”. Cùng với việc đưa ra những phân tích và số liệu nghiên cứu cụ thể, ông đã đặt ra những câu hỏi xác đáng cho việc phát triển nông thôn trong giai đoạn mới, cụ thể là: “Làm thế nào để xây dựng nông thôn mới? Đâu là động lực để phát triển nông thôn? Phải chăng nông thôn đã phải trả giá quá lớn cho giai đoạn phát triển vừa qua?”

   Có thể nói, những câu hỏi của TS. Bạch Quốc Khang là chìa khóa hướng tới việc giải quyết cho những vấn đề của nông thôn mới. Theo đó, không gian kiến trúc cảnh quan nông thôn cần kế hoạch tổng thể hướng đến phát triển bền vững về khía cạnh xã hội, trong đó sinh kế nông thôn là nội dung được đặt lên hàng đầu. Góp ý tại tọa đàm, KTS Nguyễn Văn Cường – Chủ tịch Hội KTS Thái Nguyên phát biểu: “Xét cho cùng, mục tiêu quan trọng của nông thôn là sinh kế. Văn hoá nông thôn là văn hoá di vật thể, nhưng để nông thôn phát triển bền vững, thì vấn đề sinh kế phải được đảm bảo. Kiến trúc nông thôn, rất đẹp, đẹp hơn cả các công trình do kiến trúc sư thiết kế. Nhưng làm sao để tiếp tục phát triển nó. Phát triển bền vững mô hình nông thôn mới, trên cơ sở nhà nước cho phép, dưới sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, và các kiến trúc sư để chuyển đổi cơ cấu nông thôn, làm sao tạo công ăn việc làm cho người dân nông thôn vừa tạo ra giá trị kinh tế, vừa bảo tồn phát huy những giá trị vốn có.”

   Nhìn nhận từ góc độ chính sách và quảng lý đất đai, PGS. TS Trần Trọng Phương – Viện Quy hoạch Phát triển Nông thôn cho biết: “Nông nghiệp nông thôn cần gắn kết với đô thị như thế nào, để tạo ra sinh kế, giải phóng sức lao động của người dân. Giữ nguyên hiện trạng nông thôn, thì mới có thể tiếp tục phát huy các giá trị truyền thống vốn có. Nhưng các bản quy hoạch mới, đang phá vỡ, xâm lấn những gì vốn có của nông thôn, lấy mất đi quỹ đất vốn có của nông thôn. Trong các bản quy hoạch đô thị thì quy hoạch nông thôn và quy hoạch ruộng đất luôn bị đặt xuống cuối cùng, trong khi vốn dĩ, quy hoạch ruộng đất phải được đặt sau quy hoạch tổng thể. Chính điều này đã dẫn đến những bất cập trong quy hoạch nông thôn và dẫn đến việc phải đối mặt với việc không thể mất đi di sản nhưng cũng không còn quỹ đất để phát triển.”

Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm
 

   Đô thị hóa là quá trình tất yếu, nhưng phát triển theo hướng hiện đại, tiện nghi, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống là quá trình cần chú trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Sau hơn 10 năm đổi mới, nông thôn Việt Nam đã có sự thay đổi toàn diện về mọi mặt, nhưng môi trường và không gian sống mang bản sắc văn hóa truyền thống đang dần bị mai một. Các làng nghề di sản đang bị đô thị hóa xâm nhập, dẫn đến chuyển đổi cơ cấu địa phương, đánh mất đi những giá trị vốn có. Vì vậy ngoài việc đưa ra những kinh nghiệm thiết kế cảnh quan tạo không gian sống tốt, phát triển di sản gắn với du lịch sẽ là hướng phát triển bền vững cho nông thôn Việt Nam. PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường – Trường ĐH Xây dựng đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế về phát triển nông thôn ở nước ta và giới thiệu mô hình “Làng di sản – du lịch” tại nông thôn Việt Nam. Đây là một trong những mô hình phát triển nông thôn bền vững, đảm bảo lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa địa phương, nhưng vẫn thúc đẩy phát triển kinh tế.

PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường – Trường ĐH Xây dựng chia sẻ tại tọa đàm
 

   Từ mô hình Làng di sản – du lịch, TS. Bạch Quốc Khang cũng nhắc nhở: “Xây dựng tiêu chí chung cho nông thôn là cần thiết, nhưng nếu xây dựng môt khuôn mẫu, sẽ giống việc bắt tất cả nông thôn Việt Nam “mặc” chung một chiếc áo. Nông thôn Việt Nam theo tôi vẫn nên phát triển theo chiều sâu, bắt nguồn từ văn hóa, biến văn hoá thành động lực phát triển bền vững.”

TS. Bạch Quốc Khang – Cố vấn Ban Chủ nhiệm Chương trình KHCN phục vụ Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2021 chia sẻ tại tọa đàm
 

   Đô thị hóa, dẫn đến nhiều làng quê Việt Nam phải đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn, KTS Trần Huy Ánh cho biết thêm: “Thực tế, tất cả nông thôn mới đều đang gặp vấn đề về xử lý rác thải, ô nhiễm nguồn nước, tài nguyên cạn kiệt. Khi chúng ta xây dựng, quy hoạch nông thôn, cần có những con số cụ thể, tránh chủ quan, các số liệu ước tính, nếu không, khi đồ án xây dựng xong, cũng là lúc chúng ta đã không còn nông thôn nữa.”

   Theo PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông – Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc, Nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam: “Sự bền chặt của làng xã đã cứu sự phát triển của đất nước. Khi người Pháp sang Việt Nam xâm lược, nắm được lợi thế của làng xã, nên họ gần như không động gì đến chúng. Cũng chính nhờ lợi thế này, mà tất cả các cuộc ngoại xâm, chúng ta đều đứng vững. Mất những thiết chế này, chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều nguy cơ. Nhưng không thể mãi níu kéo quá khứ được, thế giới đang vận động và phát triển, nông thôn cần có sự thay đổi cho phù hợp với thời cuộc. Mười năm vừa qua, chúng ta đã bỏ quên kiến trúc nông thôn. Vậy nên, 10 năm tiếp theo, chúng ta cần tập trung vào nông thôn để cứu lại những gì chúng ta đã bỏ lỡ. Đừng bảo tàng hoá những di sản truyền thống này, để nó chỉ còn là ký ức, mà hãy phát triển để làng quê Việt Nam ngày càng giàu đẹp, độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.”

PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông – Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc, Nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
 

Một số hình ảnh tại tọa đàm

 

 

Hạ Vân (Thực hiện)
© Tạp chí kiến trúc

CÔNG TY TNHH XÂY DỰNG VÀ NỘI THẤT SUN HOUSES