Thiết kế công trình du lịch trên vùng núi là di sản cảnh quan thiên nhiên phía bắc Việt Nam

Thiết kế công trình du lịch trên vùng núi là di sản cảnh quan thiên nhiên phía bắc Việt Nam

   Việc bảo tồn giá trị các cảnh quan thiên nhiên là một trong những vấn đề lớn của Quy hoạch kiến trúc Đương đại. Các di sản thiên nhiên miền núi chiếm giữ một diện tích quan trọng của môi trường đã phục vụ tích cực chất lượng cuộc sống của nhân dân. Ủy ban Di sản thế giới của  UNESCO đã xác định rằng các đặc điểm thiên nhiên bao gồm sự hình thành các quần thể  về địa hình cũng như sinh học có những giá trị nổi bật về khoa học hay vẻ đẹp phải được xác định là “Di sản thiên nhiên”. Cần phải quan tâm thích đáng tới những thử thách lớn mà công cuộc Bảo tồn các Di sản cảnh quan thiên nhiên miền núi đang gặp phải do tác động của hoạt động du lịch và biến đổi khí hậu.

 

 

   Miền núi nước ta hiện có nhiều địa điểm có ý nghĩa quan trọng nổi bật về khoa học, kinh tế, khảo cổ, truyền thống, địa chất, và lịch sử, có thể đem lại lợi ích đáng kể cho sự nghiệp phát triển đất nước.

   Nhưng một số trường hợp hoạt động phục vụ du lịch đã gây tổn hại cho các cảnh quan thiên nhiên, bị công luận và pháp luật lên án. Các dự án làm tổn hại các di sản cảnh quan thiên nhiên nói trên đã không đề cập vấn đề một cách toàn diện khi thiết kế – xây dựng mà chỉ chú ý đến lợi ích cục bộ trước mắt. Một khi di sản bị giảm giá trị, thì chính công trình du lịch của họ cũng bị thất thu. Bài viết được thực hiện trên cơ sở khảo sát 1 sốcông trình phục vụ du lịch mà không bao gồm các công trình tâm linh như tượng thánh, công trình chính trị như tượng đài, công trình hành chính (như cột mốc) có những qui luật khác nhằm xác định quan điểm và phương pháp thiết kế đúng đắn cho các công trình này trở nên cấp thiết.

Lược khảo tình hình Di sản cảnh quan miền núi phía Bắc nước ta

 

 

   Nước ta có nhiều vùng núi rất cao, tập trung nhiều nhất là ở phía Bắc, dọc theo dãy Trường Sơn và vùng Tây Nguyên. Đỉnh cao nhất là Phansipan 3,143m, đáng chú ý là Sa Pa cao 1500m so với mặt nước biển.

   Vùng núi nước ta có hàng trăm ngọn đèo, trong đó có Mã Pí Lèng cùng với Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin được coi là “tứ đại đỉnh đèo” có giá trị đặc sắc về phong cảnh và địa chất..

   Đáng chú ý là đèo Mã Pì Lèng nằm trên cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang) được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu[1]. Đèo Mã Pì Lèng nhìn xuống hẻm vực sông Nho Quế có cảnh quan hùng vĩ . Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã ra Quyết định ngày 16/11/ 2009 xếp hạng khu vực này là Di tích Danh lam thắng cảnh Quốc gia, ngoài núi non, có các vùng cây xanh rộng lớn gắn liền.

Lược khảo về vấn đề di sản đóng góp cho giá trị tăng trưởng kinh tế

 

 

   Ông Hà Văn Siêu, Tổng cục phó Tổng Cục Du lịch Việt Nam cho biết [2]: Sau khi nhiều Di sản được xếp hạng, được UNESCO công nhận, sức thu hút của Di sản đã tạo thành động lực thúc đẩy sự phát triển của du lịch, làm tăng mức thu nhập của việc làm và sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.  Cụ thể:

  • Số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2010 so với thời gian gần đây đã tăng 2,5 lần. Cụ thể từ 5,000,000 người năm 2010 đã tăng lên 12,900,000 người vào năm 2017. Mức tăng trưởng là 14,5% mỗi năm với mức tang trưởng 29,1% giữa năm 2016 và năm 2017;
  • Tổng thu nhập từ hoạt động Du lịch đã tăng trên 5 lần từ 96 tỷ đồng năm 2010 lên 510 tỷ đồng năm 2017. Mức tăng trung bình là 26,9%. Mức đóng góp vào Tổng Thu nhập quốc dân hàng năm (GDP) là trên 7%, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm.

   Theo nghiên cứu của Donovan D. Rypkema, [3] việc Bảo tồn Di sản có 5 tác động kinh tế định lượng được là: Tăng thu nhập cho việc làm và thu nhập hộ dân; tạo sức sống cho trung tâm đô thị; tăng du lịch di sản; tăng giá trị bất động sản; phát sinh cơ hội kinh doanh nhỏ.

 Ngược lại, việc các địa điểm Di sản văn hóa bị hủy hoại sẽ có tác động xấu đối với nền kinh tế, Jose L. Groizarda and Marıa Santana-Gallegoaa [4] nhận thấy: Tình trạng các di sản mà UNESCO xếp loại là trong diện “bị nguy hiểm” sẽ tạo ra mức thất thu tối thiểu khoảng 12% cho hoạt động du lịch.

Tình hình một số Di sản Cảnh quan miền núi miền Bắc bị các dự án xâm hại

 

 

   Công trình Ma Pi Leng Panorama, là một khách sạn 7 tầng, có cửa hàng ăn và café được xây trên vị trí cao nhất của đèo đã không đạt nhiều qui định về Bảo tồn di sản. Công trình này không tiêu biểu gì cho dân tộc miền núi, làm hỏng tầm nhìn thưởng thức cảnh quan từ trên đèo, bị công luận phê phán là làm hại môi trường. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ ra: Công trình đã xây dựng hoạt động trong khi chưa có kết quả khảo sát đánh giá của chính quyền về tác động lên cảnh quan thiên nhiên và môi trường xung quanh.

   Công trình cầu lên đỉnh Cái Hạ, dài khoảng 1.115m có trên 2.000 bậc chưa được cấp phép xây dựng, nhưng đã xây và đưa vào hoạt động, sau đó không tuân thủ chỉ đạo của UBND huyện Hoa Lư về việc tháo dỡ công trình sai phạm này. Nơi đây nằm trong hệ thống núi đá vôi hiểm trở được kiến tạo từ hàng nghìn năm, của di sản Tràng An, với “kinh đô đá Hoa Lư” nơi vua lập đàn kính thiên có trên 1.000 năm lịch sử, được công nhận là di sản thế giới nhưng đã bị dự án nói trên xâm hại thô bạo.

   Một số Di sản khác cũng bị các dự án sai phạm xâm hại một cách bất hợp pháp. Ủy ban Di sản Thế giới (World Heritage Committee) đã cảnh báo về mối hiểm nguy đối với các Di sản đã dược xếp hạng và công nhận.

   Nguyên nhân một số dự án xây dựng trái phép đã xâm hại di sản cảnh quan thiên nhiên là do:

  • Các dự án sai phạm nói trên đã không tuân thủ qui định của các văn bản pháp lý và ban ngành của nhà nước liên quan đến việc lập dự án, xin phép đầu tư, thiết kế và vận hành dự án;
  • Công tác lập và thiết kế dự án đã thực hiện khi chưa được xác định đầy đủ các yếu tố tác động tới việc khai thác các lợi thế của di sản cảnh quan thiên nhiên;
  • Các dự án kiến trúc xấu, lại chọn vị trí và khuôn viên bất hợp lý sẽ xâm hại lâu dài giá trị của cảnh quan Di sản.

Các yêu cầu và thông tin cần có khi lập dự án xây dựng trong khu Di sản Cảnh quan Thiên nhiên

   Mỗi di sản cảnh quan có những đặc điểm nổi bật có từ khung cảnh tự nhiên, chính là cơ sở đưa tới các yêu cầu phải có của mục tiêu bảo tồn cảnh quan. Vì vậy, việc phân tích đặc điểm nổi bật của cảnh quan với những khía cạnh cần có cho chiến lược xác định địa điểm xây dựng phải làm ngay từ đầu.

   Việc xác định các yêu cầu này cần có các thông tin: Các chính sách và pháp luật của nhà nước và các ngành liên quan đến việc phát triển trong một khu vực có giới hạn; khu vực bảo tồn di sản cảnh quan thiên nhiên; các khu vực bảo tồn đặc biệt; các tuyến du hành vào di sản cảnh quan thiên nhiên và tuyến đến các di sản đặc biệt; các dữ liệu và bản đồ địa hình khu di sản cảnh quan.

   Để làm rõ các thông tin và dữ liệu nói trên các văn bản có tính pháp lý chung và liên quan đến khu vực đầu tư cần được tuân thủ ngay từ đầu như: Bản đồ sử dụng đất, bản đồ quy hoạch mạng lưới điểm dân cư và hạ tầng kỹ thuật, quản lý xây dựng và những văn bản phải tuân thủ khi lập một dự án.

1.Xác định phương pháp lựa chọn địa điểm và khuôn viên xây dựng

   Việc lựa chọn vị trí xây dựng dự án, đặc biệt là trên sườn dốc một di sản miền núi cần chấp nhận các yếu tố đưa tới sự hòa hợp với cảnh quan, vì vậy, cần phân tích các ảnh hưởng mà dự án sẽ gây ra.

  • Một địa điểm xây dựng ưu việt trước tiên phải tuân thủ nghiêm ngặt các qui định của chính quyền;
  • Địa điểm chọn phải loại bỏ tác động xấu đến hình ảnh di sản, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng;
  • Dự án chọn duy trì đặc trưng của di sản, sẽ tạo ra hình ảnh hài hòa hơn là thống trị trên cảnh quan;

   Cụ thể hơn: Khuôn viên xây dựng được chọn nên bảo tồn các mặt nước, vách đá để phát huy vẻ đẹp của địa hình (h.6), giảm thiểu việc đào đắp, phá đá, chặt cây… góp phần giảm thiểu phí thi công.

   Trong trường hợp hạn chế thì chỉ xây trạm quan sát cho khách du lịch, còn khách sạn nên xây tại thị trấn gần đó

2.Phương pháp thiết kế các công trình kiến trúc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên miền núi

Hình 5
 

Hình 6
 

   Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy các tác phẩm thiết kế hài hòa với khung cảnh tự nhiên lại đạt được sự ngưỡng mộ cao hơn của công luận đối với hình khối kiến trúc của tác phẩm này. Do đó:

  • Cần phát huy các đặc điểm địa phương, như có các khối hay mái đá, cây gồ, mảng xanh hồ nước (h..6) để vận dụng vào thiết kế, lựa chọn vật liệu, như tạo mảng tường đá, cấu kiện gỗ chậu cây…;
  • Quy mô của công trình nên vừa phải để có thể hòa nhập vào hình thể địa hình. Các ngôi nhà đồ sộ phải phân chia thành nhiều khối để gắn liền với các mặt nền dốc (h. 5), phải lồng sâu vào sát các mái che tự nhiên như vách đá, nền cây xanh để đồng hóa vào trong cảnh quan tự nhiên
  • Địa hình mặt dốc nguyên thủy của cảnh quan núi phải dược giữ nguyên, hết sức tránh đào đắp. Nên chọn các ngôi nhà thấp tầng, một tầng thường dễ đạt tỉ lệ cần thiết để  hòa đồng với địa hình mặt dốc…

3.Phát huy các đặc điểm ưu việt của Kiến trúc nhà dân gian Việt Nam 

Hình 7
 

   Nhà dân gian Việt Nam có những đặc tính ưu việt.  Tác giả Hoàng Mạnh Nguyên. [5] cho rằng: Kiến trúc nhà dân gian Việt Nam có mối quan hệ tốt với cảnh quan xung quanh, việc phối hợp giữa kiến trúc bên trong và bên ngoài nhà đã được sắp đặt để có một môi trường thân mật mà linh hoạt Đặc biệt Nhà sàn dân gian (trên cột) lại hạn chế phá hủy nền núi dốc, không cản dòng nước chảy tự nhiên. Một giáo viên Toán học đã sáng tác ra một kiểu nhà sàn sử dụng sơ đồ chịu lực hình tam giác (h.7).

   Tác giả Trần Thị Quế Hà [6] cho biết: Hệ thống kết cấu khung và vì của nhà dân gian Việt Nam có nhiều tính ưu việt khi hàng ngàn năm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu với đặc tính bền vững.

   Nghiên cứu về tính bền vững, tác giả Lý thế Phương [7] lại cho rằng: Nguyên tắc thiết kế nhà bền vững giúp cho việc gia cố một môi trường bền lâu cho cư dân và các loài sinh vật sinh sống cùng sự tôn trọng cảm giác về một môi trường không làm hại các nguồn lực tự nhiên.

   Trong bối cảnh trên, anh Huỳnh Trịnh Quốc Phong, giáo viên Toán ở ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp lại sáng tác ra một ngôi nhà sàn dựa trên sơ đồ tam giác chịu lực rất độc đáo (h.7).

Vận dụng quan điểm kiến trúc Hiện đại để đạt sự hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên.

1.Dòng Kiến trúc Hiện đại

    Định nghĩa đầu tiên về Kiến trúc Hữu cơ là của Louis Sullivan. Tuy nhiên, Ủy ban Di sản Quốc tế lại rất đề cao lý thuyết và tác phẩm Kiến trúc Hữu cơ của KTS lừng danh Frank Lloyd Wright, khi nhấn mạnh các quan điểm trong Lý thuyết của F.L.Wrigth như: Mặt bằng mở; làm nhòa ranh giới giữa không gian bên trong và bên ngoài nhà;  sử dụng các hình khối không theo thông lệ, dùng các loại vật liệu xây dựng như gạch, thép, đặc biệt là bê tông với màu xám tương tự của đá tự nhiên tại chỗ (h.11-12).

   Triết lý của F.L. Wright có thể được coi như chiến lược thiết kế của các công trình kiến trúc xây trên cảnh quan tự nhiên miền núi: “Không có ngôi nhà nào hay vật thể nào có thể ở trên núi. Nó nên là của ngọn núi. Thuộc về ngọn núi. Núi và nhà nên sống cùng nhau, mỗi bên vui hơn vì bên kia”  (No house should ever be on a hill or on anything. It should be of the hill. Belonging to it. Hill and house should live together each the happier for the other) [8].

   Lý tưởng của F.L.Wrigth thể hiện trong sự nghiệp của ông là: Hệ thống sinh thái bền vững bao gồm tự nhiên, môi trường xây dựng và cuộc sống con người, các thành phần này hỗ trợ lẫn nhau và cùng phát đạt [8].

   Ngoài công trình biệt thự trên thác rất nổi tiếng, tác phẩm Kentuck knob (h.11) của KTS F.L.Wright cũng thể hiện rất nhuần nhuyễn việc vận dụng các đặc điểm vật liệu địa phương như của cây Tùng-Bách, đá thô.

 

 

2.Áp dụng các xu hướng kiến trúc Đương đại – Đề cao quan điểm bảo tôn môi trường thiên nhiên

   Các xu hướng nổi bật là: Kiến trúc Thích ứng (Adaptive architecture); Kiến trúc Xanh (Green architecture); Kiến trúc Biến đổi (transformable architecture)… Schnädelbach H. [9] cho rằng: Kiến trúc Thích ứng có trong những tác phẩm thiết kế đặc biệt để thích ứng với môi trường, cư dân, các vật thể bên trong của nó, bằng cách tự động hóa hay can thiệp của con người Nhà sàn dân gian trên cột của Việt Nam có nhiều ưu thế trong việc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên  nhưng nên đi xa hơn là khi thiết kế cần áp dụng các nguyên lý Kiến trúc Tiến hóa, Thích ứng và kết hợp với công nghệ xây dựng mới để hình thành giải pháp có tính thẩm mỹ cao và linh hoạt…

   Các quan điểm kiến trúc tiên tiến có thể làm cho tính ưu việt của kiến trúc truyền thống vươn lên.

 

 

Kết luận

   Ngay từ lúc đặt vấn đề đầu tiên, mỗi một dự án xây dựng trên các Di sản Cảnh quan thiên nhiên miền núi đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các qui định của Nhà nước liên quan đến việc sử dụng đất, quản lý xây dựng và các lĩnh vực chuyên môn. Các công trình thiết kế phải tìm cách hòa đồng với khung cảnh thiên nhiên, địa hình miền núi tại chỗ.

   Nhà sàn dân gian trên cột của Việt Nam có thể thích ứng và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên xung quanh, nhưng nên đi xa hơn là khi thiết kế cần áp dụng các nguyên lý Kiến trúc Tiến hóa, Thích ứng, kết hợp các quan điểm thiết kế quốc tế ưu việt với công nghệ mới, kể cả công nghệ thông tin để hình thành các giải pháp có tính thẩm mỹ cao và biến hóa linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh thực tại của cảnh quan thiên nhiên địa phương – Đây sẽ là giải pháp thích hợp để thiết kế, xây dựng và phê duyệt các công trình Di sản cảnh quan miền núi miền Bắc nước ta.

   Việc bảo tồn di sản cảnh quan thiên nhiên miền núi gắn liền với sự phát triển kinh tế địa phương và quyền lợi của các cơ sở du lịch và người dân, vì vậy cần tăng cường vai trò quản lý chặt chẽ các Di sản cảnh quan thiên nhiên của chính quyền và người dân cư trú tại địa phương.

PGS.TS.KTS Trần Văn Khải
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng – TP Hồ Chí Minh
© Tạp chí kiến trúc

CÔNG TY TNHH XÂY DỰNG VÀ NỘI THẤT SUN HOUSES