Về kiến trúc cầu ngói ở Việt Nam
Về kiến trúc cầu ngói ở Việt Nam
Cầu ngói là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để nói về một kiểu cầu có mái che lợp ngói, còn gọi là “thượng gia hạ kiều”, là hình thức kiến trúc giao thông truyền thống đặc biệt ở nước ta. Về thể loại, cầu ngói thuộc loại cầu có mái che (covered bridge) – Chúng ta có thể kể đến một số cầu nổi tiếng trên thế giới như cầu Thành Dương (Trung Quốc), cầu Saya (Nhật Bản), cầu Vecchio (Italia), cầu Kapellbrücke (Thụy Sỹ)…
Trước đây, cầu ngói là một dạng công trình khá phổ biến ở những nơi giao thương sông nước, nhưng bởi nhiều lý do mà chúng bị phá hủy, hiện nay chỉ còn lại với số lượng trên đầu ngón tay, trong đó có Chùa Cầu, cầu Thanh Toàn được bảo tồn tốt để phục vụ du lịch, còn một số cầu khác đang bị xuống cấp và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, sự bảo vệ đúng cách. Cầu ngói là di sản kiến trúc giao thông rất đáng quý mà cha ông đã để lại cho chúng ta, cần sự nghiên cứu có hệ thống và nghiêm túc, nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị của chúng.

Khảo sát một số cây cầu ngói
Dân gian có câu “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”, để thấy rằng xứ Sơn Nam xưa (vùng Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình ngày nay) là vùng có nhiều cầu đẹp nhất nước ta. Đây vốn là vùng chiêm trũng, nhiều sông ngòi và hay lụt lội nên con người đã sớm hoàn thiện kĩ thuật xây dựng và làm thăng hoa nghệ thuật kiến trúc cầu, nổi bật là cầu đá và cầu ngói. Một số cây cầu ngói xứ Nam còn lại đến ngày nay có thể kể đến: Cầu ngói chợ Lương (xây dựng đời Hồng Thuận nhà Lê (1509-1515), cầu ngói chợ Thượng (xây dựng đầu thế kỷ 18 do cung phi chúa Trịnh là bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân công đức)…
Còn xứ Đoài, nổi tiếng với kiến trúc đình nhưng cũng có 2 cây cầu ngói rất đẹp nằm trong khuôn viên chùa Thầy do Phùng Khắc Khoan thiết kế và chỉ đạo xây dựng. Trạng Bùng đã dùng thuật phong thủy để diễn giải rằng chùa Thầy được xây trên trán rồng, cầu Nhật Tiên và Nguyên Tiên có hình dáng cong cong, là cặp mí mắt rồng. Khoảng không mặt nước được ngăn cách với hồ Long Chiểu bởi hai cây cầu chính là cặp mắt rồng.
Thăng Long cũng đã từng có một cây cầu ngói rất nổi tiếng tên là Tô Giang (khoảng vị trí cầu Giấy ngày nay), theo như các văn bản xưa kể lại thì có lẽ đó là cây cầu ngói lớn nhất trong lịch sử kiến trúc Việt Nam. Theo văn bia “Trùng tu Tô Giang kiều bi ký” năm 1679 của Bùi Văn Trinh thì cầu Tô Giang “dài 15 gian như cánh nhạn vút qua trời thu hòa cùng non cao nước biếc, như cầu vồng ôm vòng dải Ngân Hà, một gác cao tỏa chiếu ánh hồng thịnh vượng, rực rỡ, thanh thoát. Trụ cầu vững vàng giữa dòng, đi trên ván cầu như đi trên đất bằng, trên lợp mái…”. Những cây cầu ngói còn lại đến ngày nay ở nước ta có lẽ đều thua kém cầu Tô Giang về quy mô và sự tráng lệ.
Khu vực miền Trung ngày nay còn lại 2 cây cầu ngói nổi tiếng là cầu Thanh Toàn (Huế) và Chùa Cầu (Hội An). Nếu như các cầu ở Bắc Bộ dùng ngói vảy cá hoặc mũi hài thì cầu Thanh Toàn và Chùa Cầu dùng ngói lưu ly.
Kết cấu phần thượng gia (các gian nhà) của tất cả các cầu ngói đều sử dụng hệ vì kèo gỗ với số gian lẻ, giữa là lối đi, hai bên có lan can nghỉ chân (duy nhất cầu Phát Diệm không có). Đầu hồi để thoáng (Nhật Tiên và Nguyệt Tiên) hoặc xây tường bít đốc (Chợ Lương) hoặc tường có ô cửa (Thanh Toàn). Linh vật sử dụng trang trí cầu là Nghê (Chợ Lương); Rồng, Phượng (Thanh Toàn); Chó, Khỉ (Chùa Cầu).
Kết cầu phần hạ kiều (mố, trụ cầu) theo sơ đồ vòm (Nhật Tiên và Nguyệt Tiên), dầm một nhịp (Chợ Thượng), dầm nhiều nhịp (Thanh Toàn), hoặc kết hợp vòm-dầm (Chùa Cầu). Vật liệu mố cầu bằng đá, trụ cầu bằng gỗ (Chợ Thượng), bê tông cốt thép (Phát Diệm, sau trùng tu), gạch đá (Chùa Cầu).


Về tinh thần nơi chốn của cầu ngói
Cầu ngói vừa có chức năng giao thông, vừa là một dạng “nhà” để sử dụng trong thời gian ngắn như nghỉ ngơi, ngắm cảnh, giao thương, thực hành nghi lễ tín ngưỡng. Nó là một nơi chốn mang tính nước đôi, vừa như đi qua nhanh để đến một chức năng khác (nơi chốn cầu), vừa như níu giữ con người ở lại chia sẻ những cảm xúc chậm rãi (nơi chốn nhà). Cầu ngói bao đời nay đã gắn bó với cuộc sống người dân, nơi trai gái hẹn hò, già trẻ nô nức tụ hợp ngày hội, và tự lúc nào đã đi vào ca dao, như:
“Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui”.
hoặc
“Ai đi phố Hội chùa Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai”.

Thơ văn, chữ nghĩa được khắc trên cầu của những quý tộc, danh sĩ hứng khởi viết ra khi thăm thú đến đó cũng cho ta thấy sự yêu mến, ngưỡng mộ của con người đối với thể loại công trình kiến trúc- giao thông đặc biệt này. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã đặt tên “Lai viễn kiều” cho Chùa Cầu ngụ ý rằng cây cầu như một biểu tượng của chính sách ngoại giao, thương mại cởi mở, luôn cầu khách phương xa đến. Còn trên cầu Chợ Lương có khắc câu đối khá hay:
“Hoàng lộ phong thanh quá thử kỷ đa đề trụ khách
Giang thành dạ tĩnh du phương ứng hữu thu thư tiên”.
nghĩa là:
“Trên đường gió mát nhiều khách qua đây lưu lại văn thơ ca ngợi
Đi trên cầu trong đêm vắng như có nhận được sách tiên”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương khi về thăm cầu ngói Chợ Lương quê hương mình đã viết bài thơ “Đợi” nổi tiếng, sau được nhạc sĩ Huy Thục phổ thành bài hát cùng tên:
“Anh đứng trên cầu đợi em
Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm
Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy
Nước chảy bên lòng, anh đợi em”.
Ngày nay, những hoạt động cộng đồng ở cầu ngói vẫn được người dân duy trì và phát huy. Chùa Cầu đã trở thành hình ảnh biểu tượng của Hội An, là địa điểm không thể không đến của du khách khi đến thành phố này. Trong mỗi dịp Festival Huế, cầu Thanh Toàn là địa điểm tổ chức lễ hội đêm thơ “Ai về cầu ngói” và hội chợ quê với các món đặc sản quê hương, cũng như các trò chơi dân gian, đua ghe truyền thống. Cầu Phát Diệm cũng là địa điểm tổ chức sự kiện văn hóa yêu thích của người dân xứ đạo, bên cạnh các sự kiện tôn giáo ở Nhà thờ Phát Diệm.
Vấn đề bảo tồn, trùng tu cầu ngói
Bởi là địa điểm đặc biệt thu hút khách du lịch ở Hội An nên Chùa Cầu được bảo trì thường xuyên, mặc dù quá trình trùng tu vào các năm 1817, 1865, 1915, 1986 đã làm mất đi nhiều các yếu tố kiến trúc Nhật Bản, thay vào đó là kiến trúc Việt, Hoa. Cầu Thanh Toàn đã được trùng tu nhiều lần vào các năm 1847, 1906, 1956, 1971, và mới đây (tháng 4/2020) đã được hạ giải để trùng tu. Như vậy trước đây, cứ khoảng 50 năm Chùa Cầu và cầu Thanh Toàn lại phải trùng tu, và biên độ ngày càng ngắn lại bởi tác động của con người và khí hậu. Có thể, một trong những lý do quan trọng khiến rất nhiều cầu ngói ở vùng đồng bằng Bắc Bộ biến mất chính là không được trùng tu kịp thời. Hơn thế, nếu được trùng tu thì lại bị biến đổi ít nhiều so với nguyên gốc. Ví dụ, những người quản lý địa phương nơi có cầu Chợ Lương đã tiến hành sơn trát tu sửa phần cửa cầu rất cẩu thả, dẫn đến biến dạng phù điêu con nghê. Mới đây, cầu ngói Chợ Thượng bị thay đổi hẳn hình thức sau khi trùng tu, dẫn đến sự bức xúc trong dư luận. Dưới áp lực của cộng đồng, nhà thầu trùng tu cầu đã phải sửa lại, nhưng vẫn chưa đúng với kiến trúc nguyên gốc trước đây.



Cầu ngói đã được xây dựng để phù hợp với phương thức giao thông ngày trước là đi bộ, trâu ngựa, xe đạp. Khi các loại xe cơ giới phát triển, vai trò giao thông của cầu ngói bị giảm sút, thậm chí không cần thiết. Đó cũng là một trong những lý do nhiều cầu ngói không được trùng tu, thậm chí bị giải tỏa vĩnh viễn để xây những cây cầu rộng và chắc chắn để thích ứng với sự thay đổi phương tiện giao thông. Các cầu Chợ Lương, Chợ Thượng, Thanh Toàn còn tồn tại đến ngày nay là vì người ta phải xây cầu và đường dẫn mới song song với cầu ngói cũ. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy kiến trúc cầu ngói thành công, chúng ta cần tạo dựng thói quen đi bộ và xe đạp ven sông nhiều hơn, điều mà nhiều nước phát triển đã thực hiện. Mới đây, Hà Nội cũng đã cải tạo thành công đường Láng bên cạnh sông Tô Lịch, có làn xe đạp và đi bộ.
Kết luận

Như vậy, cầu ngói là những di sản kiến trúc- giao thông quý giá mà cha ông đã để lại cho chúng ta ngày nay, cần được bảo tồn và phát huy. Không chỉ đặc biệt về hình thức kiến trúc, cầu ngói còn là những nơi chốn giàu cảm xúc, đã tạo cảm hứng cho các trí thức, nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm giá trị. Đối với Hội An và Huế, các cầu ngói còn tạo nguồn thu cho địa phương và người dân thông qua các hoạt động du lịch – văn hóa. Những cây cầu ngói khác ở Bắc Bộ chủ yếu nằm ở vùng nông thôn nên chưa thể phát huy hết giá trị du lịch. Các địa phương này cần có kế hoạch bảo tồn cầu đúng cách đồng thời với việc quảng bá du lịch để làm gia tăng giá trị của cầu.
Với mong muốn duy trì một hình thức kiến trúc giao thông truyền thống, gần đây một số địa phương đã xây dựng những cây cầu ngói mới, ví dụ cầu Hòa Bình, cầu Lưu Quang (Ninh Bình). Đó là những tín hiệu đáng mừng. Hà Nội có nhiều con sông nhỏ như Tô Lịch, Kim Ngưu, rất phù hợp để xây dựng những cây cầu đi bộ, trong đó có cầu ngói, cầu có mái che. Trước mắt, Hà Nội có thể cho khôi phục lại cầu Tô Giang ở gần Cầu Giấy, cũng rất phù hợp với cảnh quan và chức năng giao thông đường đi bộ mới xây dựng dọc theo đường Láng.
KTS Vũ Hiệp
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường ĐH Giao thông Vận tải trong đề tài mã số T2020-XD-008
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2020)