Vườn Lộc Uyển và Ba La Nại – Ấn Độ bên sông Hằng ngàn năm huyền thoại

Vườn Lộc Uyển và Ba La Nại – Ấn Độ bên sông Hằng ngàn năm huyền thoại

   “Tứ động tâm” là tên gọi chung cho bốn địa danh đánh dấu bốn sự kiện trọng đại trong cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, gồm: Khu vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni) – nơi đức Phật đản sanh, Bodhgaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng) – nơi đức Phật thành đạo, Sarnath (vườn Lộc Uyển) – nơi đức Phật giảng pháp lần đầu tiên cho nhóm bạn đồng tu khổ hạnh với Kiều Trần Như và Kushinagar (Câu Thi Na) – nơi đức Phật nhập Niết bàn. Sở dĩ có cụm từ “động tâm” – mang ý nghĩa là “làm lay động trái tim” – vì khi mọi người đến đây hành hương lễ Phật đều nhận được những cảm xúc chân thực, như có thêm nguồn lực vô hình trợ giúp vững tin khi hướng về chân lý và đạo pháp của đức Thế Tôn.

   1.Thành phố cổ bên dòng sông kỳ diệu

   Chúng tôi đến Varanasi (Ba La Nại) thuộc bang Uttar Pradesh – Ấn Độ bằng đường bộ. Thành phố này vào thời kỳ cận đại đã đổi tên là Benares, sau trả lại tên cũ là Varanasi như ngày nay. Ba La Nại là thành phố bên bờ Tây sông Hằng, tồn tại hơn 5.000 năm và được mệnh danh là “xưa cũ hơn bất kỳ thành phố cổ nào trên toàn cầu” (Ảnh 1). Thành phố hiện còn hơn 2.000 ngôi đền cổ, có cái huy hoàng như dinh thự nhưng cũng có cái nhỏ bé như một miếu thờ, tất cả đều được điêu khắc tinh xảo, phong cách kiến trúc đậm chất tôn giáo của đạo Hindu.

Ảnh 1 – Nguồn: Internet (ảnh trái), ảnh 2 (ảnh phải)
 
(Ảnh 3&4)
 

   Đến Ba La Nại, dấu ấn kiến trúc đô thị ấn tượng nhất đối với tôi là các dãy nhà liền nhau, cái mới xây chồng lên cái cũ tạo thành hai sắc thái: cổ điển (kiểu đền đài xưa cổ) và hiện đại (kiểu nhà hộp phố); từng lớp nhà nhấp nhô bám theo địa hình sườn đồi dốc nằm dọc bờ sông Hằng (Ảnh 2). Mặt trước là đường phố buôn bán sầm uất, nhộn nhịp người xe qua lại, đông đúc và chật hẹp; giữa các khối nhà dọc phố là con dốc đi bộ, cắt thẳng đứng theo địa hình tạo thành bậc cấp dẫn sâu xuống bến sông (Ảnh 3). Cũng có công trình công cộng riêng lẻ, nhưng thường thấy vẫn là phần kiến trúc mới đan xen hoặc cài cắm chồng lên hình ảnh kiến trúc cũ rất đặc trưng, nhằm chuyển đổi công năng cho phù hợp với tiện ích và nhu cầu trước xu thế phát triển đô thị của thời hiện tại (Ảnh 4). Điểm dừng cuối cùng của những con dốc là hệ thống bậc cấp trải dài xuống tận mép nước sông Hằng (gọi là “Ghat”). Tùy theo thế đất mà các Ghat này dài-rộng, cao-thấp khác nhau, kết nối lại tạo thành lối đi bộ theo phương ngang, nương theo chiều dài của bậc cấp để đi dọc bờ sông. Nghe nói có 84 Ghat trên đoạn bờ sông dài khoảng 8km, tất cả hợp lại như một kè chắn sóng của dòng sông mỗi khi thủy triều lên xuống, để nước không xâm thực làm phá hỏng cấu trúc đô thị đã tồn tại từ hơn mấy ngàn năm trước.

   Buổi tối chúng tôi đến bến sông Hằng, xem nghi thức lễ hội thánh Hindu (Ảnh 5) diễn ra hằng đêm tại một trong các Ghat chính (có diện tích rộng để dựng sân khấu và số bậc cấp nhiều để dân chúng ngồi xem), sau đó lên thuyền máy đi dọc dòng sông (Ảnh 6). Nhiều người đến sông Hằng thường chọn lúc bình minh để thưởng ngoạn cảnh vật huyền ảo của con sông huyền thoại, dưới ánh mặt trời buổi sớm mai vàng rực xuyên qua lớp sương mờ chưa kịp tan chảy. Ngược lại, chúng tôi đi thuyền trên sông Hằng vào buổi chiều tối, khi con thuyền tắt máy nổ cho trôi nhẹ bềnh bồng giữa sông nước, trong không gian tĩnh lặng dưới bầu trời tối đen như mực, tôi cảm nhận được sự nhỏ bé của con người trước con sông Hằng kỳ bí.

(Ảnh 5&6)
 

   Đối với người Ấn theo đạo Hindu, họ xem Varanasi là thánh địa linh thiêng bậc nhất, bởi truyền thuyết cho rằng thành phố này do thần Shiva tạo dựng, nên cuộc sống của người dân bao đời nay luôn gắn bó với sông Hằng – từ lúc sinh ra, lớn lên cho đến lúc chết. Họ tắm, giặt, đánh cá và dùng nước sinh hoạt… từ con sông này (Ảnh 7); khi ốm đau, già yếu, bệnh tật cũng ước nguyện thiêu xác tại đây, để người thân rải tro cốt xuống dòng sông huyền thoại mong được siêu thoát… Họ có cả một lễ hội tắm sông Hằng (gọi là “Kumbj Mela”) định kỳ ba năm một lần, kéo dài suốt ba tháng và 15 tháng 4 là ngày cuối cùng của lễ hội, được tổ chức với những nghi thức trang trọng, diễn ra trên một khúc sông dài khoảng 15km (người Ấn ước tính có hơn tám triệu lượt người đến tắm mỗi kỳ lễ hội, trong khi cả thành phố chỉ có khoảng 1,2 triệu dân). Họ tin rằng khi con người tắm trong dòng nước thiêng sông Hằng sẽ được “gột rửa mọi tội lỗi và tiến gần đến sự cứu rỗi”.

(Ảnh 7, 8)
 
(Ảnh 9, 10)
 

   Nhìn cảnh tượng ban đêm của mặt sau dãy phố bên sông (qua ống kính máy ảnh có tiêu cự tầm xa) tôi thấy: Vài đốm lửa sáng rực, bên cạnh là đống củi chất cao và các thi hài được gói gọn trong tấm vải đặt nằm trên bậc cấp để chờ đến lượt hỏa thiêu; rất nhiều người đứng gần mép nước như chờ đón nhận tro cốt người thân để chuẩn bị rải xuống sông Hằng (Ảnh 8, 9&10). Mặc dù ở xa bờ nhưng tôi cảm thấy như có mùi “tử khí” đang lan tỏa theo từng cơn gió thoáng nhẹ về đêm. Người hướng dẫn nói với tôi: “Người giàu đưa xác vào nhà hỏa thiêu cạnh đó nhưng với chi phí rất đắt, còn đa số người nghèo chọn cách thiêu xác bằng củi đốt chất ngoài trời. Những ngọn lửa thiêu – dù trong nhà hay ngoài trời – chưa bao giờ tắt lịm từ hàng ngàn năm nay và người sống luôn tắm giặt từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt trong dòng sông Hằng được hòa lẫn với tro người”. Tôi im lặng đưa mắt nhìn từng người ngồi chung thuyền đang thắp nến thả đèn hoa đăng, sau khi họ đọc một hồi kinh cầu siêu mong cho các âm hồn sớm siêu thoát. Dưới nước, những ánh nến soi bóng lung linh trôi chậm theo dòng sông yên ắng; trên bờ, các đốm lửa vàng rực mang theo làn khói trắng quyện bay như tiếc nuối. Tôi gọi đây là “dòng sông ly biệt” với cảnh tượng đầy “ma mị” như trong truyện cổ tích giữa đời thường.

   Được biết, từ năm 2014, Nhà nước Ấn phát động chiến dịch “làm sạch sông Hằng” và ký hợp tác với Nhật Bản để phát triển Varanasi – Ba La Nại trở thành “đô thị thông minh”, với phương châm “bảo tồn di sản cấu trúc đô thị kết hợp hiện đại hóa thành phố”. Giữa lúc các nhà khoa học luôn chứng minh nước sông Hằng ô nhiễm nghiêm trọng với những thông số cụ thể; còn người dân Ấn lại luôn tin vào sự huyền bí của dòng sông bởi nó từng tồn tại qua bao thế kỷ và thần Shiva luôn che chở cuộc sống của họ – từ trong truyền thuyết đến thực tại, thấm đậm trong tâm trí họ cho đến mấy đời con cháu mai sau.

   2.Câu chuyện huyền thoại nơi vườn Lộc Uyển

   Sáng hôm sau, từ thành phố Ba La Nại chúng tôi lên đường đi khoảng 13km về phía Đông Bắc đến khu Phật tích Sanarth – tức “vườn Lộc Uyển” hay “vườn nai” (theo nghĩa Hán Việt: Lộc là “con nai”, Uyển là “khu vườn đẹp”). Người Ấn gọi là Sanarth – tức “vua của loài nai” vì thuở xa xưa vua nước Ba La Nại có sắc lệnh bảo vệ loài nai, nghiêm cấm dân chúng không được tự ý bắt hoặc giết nai trong vùng… Nơi đây xưa kia vốn là khu rừng rậm rất yên tĩnh, cách xa chốn phố thị, rất phù hợp cho các ẩn sĩ đến tu tập để tạo lập đạo nghiệp cho mình; vì vậy Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) sau khi xuất gia đã cùng nhóm bạn tu đến đây tu luyện – trong đó Kiều Trần Như (Kondanna) cao tuổi nhất. Sau khi Tất Đạt Đa quyết từ bỏ con đường tu khổ hạnh, chí tâm thiền định và đắc đạo thành Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakya Muni) tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya), Ngài đã đi từ làng Uruvela – thuộc bang Bihar, đến đây mong tìm gặp lại năm người bạn cũ để giảng bài pháp đầu tiên là Dhamma Cakka Pravatana Sutra (Việt Nam gọi là kinh “Chuyển Pháp Luân” – tức “dịch chuyển bánh xe giáo pháp”). Nghe tin đức Phật về giảng pháp, nhiều người từ các khu vực xung quanh lần lượt đến đây xin quy y Phật. Vì vậy, Ngài trở thành Người sáng lập ra đạo Phật và việc thành lập tổ chức “Tăng già/Tăng đoàn” đầu tiên cho 60 nam tu sĩ (gọi là “Tỳ kheo”), đánh dấu sự kiện ra đời một tổ chức tôn giáo mới, trường tồn khắp năm châu trên 2.500 năm; đồng thời Sanarth – vườn Lộc Uyển trở thành một trong bốn thánh tích “tứ động tâm” nổi tiếng gắn liền với cuộc đời đức Như Lai.

   Theo lịch sử Phật giáo: Từ khi đức Phật đến Sanarth vào khoảng năm 594 trước công nguyên (TCN) đến thế kỷ thứ 7 sau công nguyên, nơi đây đã là thánh địa cho hàng ngàn tu sĩ, từ người dân đến các bậc đế vương (như: Asoka – vua A Dục và Kanishka – vua Ca Nị Sắc Ca…) đến tu tập và đạt chánh quả. Trong ký sự của ngài Huyền Trang (595-664) khi đến chiêm bái thánh tích đã ghi rõ: Trong khu vực chia ra làm tám phần liên hệ với nhau, nhà cửa lầu các rất tráng lệ, quy mô. Tăng sĩ sống hơn 1.500 người… Trong thành lớn có một Tịnh xá cao hơn 200 thước… Trong Tịnh xá có một tượng Phật bằng đá gần bằng thân của đức Như Lai, tạc theo tư thế chuyển Pháp Luân. Phía Tây Nam có một Bảo Tháp bằng đá do Vua A Dục dựng nên, đã hư hoại, chiều cao hơn 100 thước. Phía trước có dựng một trụ đá cao hơn 70 thước…”. Theo chứng cứ khảo cổ cho thấy vườn Lộc Uyển được phát triển rực rỡ trong nhiều thế kỷ – đặc biệt dưới triều vua A Dục và Ca Nị Sắc Ca đã cho xây dựng, trùng tu nhiều công trình mà ngày nay khai quật chứng minh được nguồn gốc.

   Vậy mà, đến thế kỷ 12, vào năm 1193, dưới bước chân của đội quân Hồi giáo sau khi xâm lược Ấn Độ, các thánh tích Phật giáo hoàn toàn bị phá sạch và đốt sạch – từ đền chùa, tu viện, đến cả tượng thờ và kinh sách. Các khu Phật tích, trong đó có Bồ Đề Đạo Tràng và vườn Lộc Uyển, rơi vào thời kỳ suy tàn đến hủy diệt. Vua Mahommada thời đó còn cho xây nhiều đền đài Hồi giáo ngay trên các thánh địa bị chiếm giữ và tuyên bố “chấm dứt triều đại Ấn giáo và lập nên vương triều Hồi giáo”… Đến đầu thế kỷ 18, phe Ấn Độ giáo nổi dậy giành lại chính quyền từ tay quân Hồi giáo. Lịch sử sang trang nhưng bài học “tàn phá” được lập lại, khi mà toàn bộ thánh đường Hồi giáo bị triệt hạ, thay bằng những ngôi đền thờ Ấn giáo – giống như đạo quân Hồi giáo, có khác chăng là không có cảnh chém giết đẫm máu các nhà sư và những người dân không theo Ấn giáo (gọi là “ngoại đạo”).

   Lịch sử Phật giáo một lần nữa kéo dài những năm tháng đen tối và các khu Phật tích tiếp tục nằm im dưới lòng đất, hoặc bị che phủ giữa muôn trùng cỏ dại và cây rừng, chìm vào quên lãng trong cát bụi thời gian và ký ức của người đời… Quá trình tái thiết đất nước, giới cầm quyền Ấn giáo có chủ trương xuyên suốt là nơi nào có ngôi đền, nhà thờ hay tu viện – không chỉ trên thánh địa Phật giáo mà cả với tôn giáo khác – họ sẽ cho xây mới đền thờ Ấn giáo bên cạnh; thậm chí cho phép lấy gạch đá tại các thánh tích về xây nhà cửa và để mặc người dân vào đào xới, trộm cổ vật mà không bị nghiêm trị, nhằm kềm hãm các tôn giáo khác phát triển. Cho đến năm 1798, chính quyền Ấn Độ công nhận khu Sarnath – vườn Lộc Uyển là “Di tích quốc gia” và nghiêm cấm mọi sự hủy hoại trái phép đến các khu thánh tích. Từ đó đến nay, nhiều nhà khảo cổ uy tín được nhà nước Ấn cho phép đến nghiên cứu, khảo cổ, tìm kiếm những chứng tích nhằm chứng minh một giai đoạn cực kỳ quan trọng của Phật giáo (như: năm 1815 có Đại tá Mackenzee, đến năm 1835 có Tiến sĩ Alexander Cunningham thực hiện việc khảo cổ…).

Ảnh 11 (trái), ảnh 12 (phải)
 

   Điểm đến đầu tiên là tháp Chaukhandi – tức tháp “Gặp Gỡ” hay “Hạnh Ngộ” (Ảnh 11). Tháp có nguồn gốc là một ngôi đền được xác định có từ thế kỷ thứ 4-6 sau công nguyên (thuộc vương triều Gupta), ghi dấu nơi đức Phật gặp lại năm người bạn đồng tu lúc khổ hạnh. Toàn bộ khối tháp có phần đế xây gạch đá, tạo thành bốn cấp (dưới to trên nhỏ dần), phần trên cùng như một chóp cầu nhọn bằng đất, nhưng đỉnh chóp lại là một kiến trúc hình bát giác xây gạch đỏ, nhô cao và cắm vào khối tháp bên dưới một cách có chủ ý, do quân Hồi giáo xây thêm để làm tháp canh. Tuy nhiên, qua nhiều lần trùng tu, khối “vọng gác” vẫn được chính quyền Ấn giữ lại như một chứng tích nhằm chứng minh về sự tác động “cưỡng bức” thánh tích của thời kỳ quân đội Hồi giáo chiếm đóng. Khu vực tháp Gặp Gỡ hiện nay trở thành một điểm di tích riêng biệt do quá trình đô thị hóa, nên có người tưởng chừng như nó không liên quan gì đến khu Phật tích vườn Lộc Uyển.

(Ảnh 13, 14)
 

   Từ tháp Chaukhandi đến vườn Lộc Uyển khoảng 1km. Đến nơi, tôi thấy rõ quang cảnh của một khu phế tích đã được trùng tu chỉnh chu. Trên nền xanh lá của những tàng cây cao rậm từ phía xa xa là những kiến trúc gạch đá màu hồng đỏ còn sót lại sau nhiều năm khai quật (Ảnh 12). Xem sơ đồ mặt bằng khu di tích (Ảnh 13) trưng bày sau cổng vào, cho thấy ngoài hai tháp lớn là Dhamekh và Dharmarajika, còn rất nhiều các đền (temple), tu viện (monastery) và cột đá của A Dục. Tất cả những gì có được hiện nay như phơi bày một lịch sử đầy mâu thuẫn, trải qua những giai đoạn từ tồn vong đến hưng thịnh và trở nên điêu tàn, biến thành phế tích trong nhiều thế kỷ nơi miền đất Phật.

(Ảnh 15 & 16)
 

   Nổi bật trên nền toàn cảnh là khối tháp Dhamekh – tức tháp “Chuyển Pháp Luân” hay “Chánh Pháp” – uy nghiêm và to lớn nhất (Ảnh 14), được xác định do vua A Dục cho xây dựng vào năm 300 TCN, đánh dấu nơi đức Phật ngồi giảng bài pháp đầu tiên (nghĩa là: Sau khi đức Phật gặp năm người bạn tu – tại vị trí nơi tháp Chaukhandi, họ cùng nhau đi đến đây ngồi nghe Ngài giảng pháp). Tháp ban đầu có hình bán cầu tròn, cao 15m, đường kính 50m; nhưng đến năm 500, tháp được xây lại, thay thế hoàn toàn cấu trúc cũ từ thời vua A Dục. Qua sáu lần trùng tu tháp, mỗi lúc làm rộng thêm và cao hơn nên hình khối dần thay đổi. Hình dạng tháp hiện nay gồm hai khối trụ tròn chồng lên nhau, phần dưới cao 28,3m, chiều cao toàn bộ là 43,6m… Tôi theo sau các Phật tử trong đoàn, xếp thành hàng do vị sư dẫn đường, từng người chắp tay, vừa đọc kinh vừa đi từng bước quanh vòng tròn chân tháp đến khi hết hồi kinh thì dừng lại (Ảnh 15). Sẵn dịp tôi quan sát mặt ngoài thân tháp, thấy phần lớn bề mặt lớp gạch nung và đá sa thạch đã bị bào mòn bởi thiên nhiên, còn lại là những nét chạm khắc, hoa văn và đường diềm rất đẹp, sống động và tinh tế (Ảnh 16).

   Ngoài tháp Dramekh tương đối chưa bị phá hủy, hầu hết các hạng mục còn lại đều ở dạng phế tích, mặc dù đã được trùng tu sau khi khai quật để lưu giữ những đường nét, chi tiết điêu khắc mỹ thuật tinh xảo (Ảnh 17). Điển hình như tháp Dharmarajika – tức tháp “Pháp Vương” – do vua A Dục cho xây dựng, lúc đầu cao 30m, đường kính đáy là 13,4m; về sau (thời triều đại Gupta) tháp được tăng rộng gấp đôi. Hiện nay, tháp chỉ còn lại một khối nền móng bằng gạch Ảnh tròn, cao khoảng 0,6m (Ảnh 18), là những gì còn lại sau cuộc tàn phá thánh tích của quan Jagat Singh (vào năm 1794) để lấy gạch đi xây đền đài nơi khác theo lệnh của chính quyền Ba La Nại lúc bấy giờ. Khi lấy gạch, họ tìm được một bình đá tròn bên trong có xá lợi Phật (do vua A Dục rước về sau khi đức Phật nhập thế) được chôn trong lòng tháp, cách đỉnh khoảng 9m; nhưng Jagat đã truyền lệnh cho rải tro cốt xuống sông Hằng.

(Ảnh 17, 18)
 

   Ngoài những đền đài, tu viện, bảo tháp, bia ký… được xây dựng từ thời vua A Dục (273-232 TCN) không thể thiếu các trụ đá tại từng khu Phật tích. Trụ đá tại vườn Lộc Uyển có hình trụ, cao 15,5m, thân trụ thon và bóng, đường kính chân trụ là 0,7m, tiết diện phía ngọn là 0,56m, trên đỉnh đặt tượng sư tử có bốn đầu quay về bốn hướng. Ngoài vị trí trụ là không đổi, toàn bộ thân trụ đá đã bị gảy vụn (có lẻ từ cuộc chiến bạo tàn của quân Hồi giáo vào thế kỷ 12), hiện còn lại mấy khúc đặt trong ô kính vuông 2,5×2,5m, nằm âm dưới nền đất sâu 3m (Ảnh 19); trong đó có đoạn trụ đá được vua A Dục cho khắc mấy dòng chữ, nội dung chủ yếu là: “Tăng đoàn không được chia rẽ. Dù tăng hay ni, ai chia rẽ tăng đoàn, người đó phải mặc áo trắng và phải ở một nơi không có tăng đoàn”… Riêng phần đầu trụ sư tử là còn nguyên vẹn (Ảnh 20) được trưng bày trong Viện Bảo tàng Sanarth gần đó (ngày nay hình tượng sư tử trở thành biểu tượng quốc gia trên lá cờ của nước Ấn Độ).

Ảnh 19 (trái) , Ảnh 20. Nguồn: Internet (phải)
 

   Chúng tôi viếng chùa Mulagandhakuti – tức chùa “Hương Thất” (nghĩa là “Phòng thơm”), do tổ chức xã hội “Sri Lanka Mahabodhi” xây dựng vào năm 1930 (Ảnh 21), có vị trí bên cạnh tàn tích của đền Mulgandhakuti trước đây, ghi nhớ nơi đức Phật an cư trong suốt mùa mưa đầu tiên khi đến vườn Lộc Uyển. Công trình đánh dấu sự hồi sinh, phát triển trở lại của thánh tích qua sự xuất hiện và phụng sự công đức của Ngài Dharmapala – một danh tăng nổi tiếng của Sri Lanka trong phòng trào chấn hưng Phật giáo. Năm 1891, Ngài đến đây thấy cảnh điêu tàn của vườn Lộc Uyển nên tình nguyện ở lại, vận động cộng đồng Phật giáo khắp nơi trên thế giới ủng hộ mua đất và cho xây dựng một ngôi chùa (kiêm tu viện) bên cạnh thánh tích đền xưa Mulgandhakuti và lấy tên cũ đặt cho công trình mới. Đặc điểm công trình có tòa tháp vươn cao, với nét kiến trúc khái quát hình tượng tháp Đại Giác (Mahabodhi) tại Bồ Đề Đạo Tràng (Ảnh 22). Bên trong chánh điện có những bức tranh tường đặc sắc, do họa sĩ người Nhật là Kosetsu Nosu thực hiện từ năm 1932-1936, miêu tả cuộc đời Đức Phật từ lúc sinh đến khi mất; ở giữa là bức tượng Phật theo thế ngồi giảng Chuyển Pháp Luân rất đẹp (Ảnh 23).

(Ảnh 21 & 22,23)
 

   Quanh chùa Mulagandhakuti còn hai thánh tích quan trọng khác là: “vườn nai”, rộng 10ha giáp phía sau chùa, hiện nuôi thả nai như một vườn thú “mở” để mọi người nhớ lại sự tích Sanarth và cây Bồ đề, được trồng từ chiết nhánh của cội cây Bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng, có cụm tượng đức Phật ngồi giảng pháp cho nhóm năm người bạn đồng tu ngồi chung quanh (như chúng ta thường thấy ở nhiều chùa tại Việt Nam). Đây cũng là điểm cuối cùng của chương trình viếng thăm vườn Lộc Uyển, trước khi chúng tôi về nghỉ để chuẩn bị cho ngày mai đi thăm thánh tích cuối cùng là Kushinagar (Câu Thi Na) – nơi đức Phật nhập Niết bàn.

   3.Từ phế tích trở thành di sản văn hóa

   Từ thế kỷ 18 đến nay, sau khi được công nhận là “Di tích quốc gia” của Ấn Độ, khu Phật tích Sanarth – vườn Lộc Uyển đã thật sự thức dậy sau giấc ngủ ngàn thu. Nó được chính phủ Ấn bảo vệ, nghiên cứu, khảo cổ và trùng tu; được cộng đồng chư tăng, Phật tử từ khắp nơi trên thế giới đến chiêm bái, quảng bá và cùng nhau góp phần xây dựng các thánh tích trên quê hương Phật giáo. Nếu tại Bồ Đề Đạo Tràng có sự đan xen giữa công trình khảo cổ và xây mới để minh họa dòng chảy thời gian của lịch sử nơi thánh địa, kỳ vọng biến thành “điểm đến du lịch tâm linh” độc đáo; ngược lại tại vườn Lộc Uyển gần như các công trình được phô diễn dưới hình thức tàn tích sau khi được khai quật và trùng tu (ngoài chùa Mulagandhakuti được xây mới từ nữa đầu thế kỷ 20).

   Sự chuyển mình phát triển của vườn Lộc Uyển không thể quên công đầu của ngài Dharmapala, cũng như công sức của các nhà khảo cổ (từ thời kỳ đầu đến nay) đã kiên trì khảo cứu mang lại những chứng tích khoa học được phơi bày. Mặc dù chính phủ Ấn cũng đã đầu tư nhiều chi phí cho công việc trùng tu di tích, nhưng việc quy hoạch, xây dựng và khảo cổ, trùng tu di tích – theo tôi – chưa thấy sự kết dính giữa tính cục bộ của khu Phật tích vườn Lộc Uyển đến tổng thể cả thành phố Ba La Nại, để mọi người có thể cảm nhận về tương lai của một “điểm đến” đặc biệt quan trọng (trong bộ “tứ động tâm” của lịch sử Phật giáo); để cùng hòa nhịp phát triển bền vững trong một “đô thị thông minh” Ba La Nại bên sông Hằng “trong xanh”… Tiếc rằng, từ năm 2003, chính phủ Ấn Độ đệ trình UNESCO xét công nhận khu Phật tích Sanarth – vườn Lộc Uyển vào danh sách “Di sản văn hóa nhân loại” nhưng chưa được chấp thuận (để trở thành công trình di sản thứ 4 của bang Uttar Pradesh và thứ 39 của Ấn Độ); còn câu chuyện “thành phố cổ tích và dòng sông Hằng huyền thoại” từ năm 2014 đến nay vẫn chưa có hồi kết về định hướng quy hoạch…

   Bài và ảnh: ThS.KTS. Trần Đức Lộc (Đà Lạt)

Nguồn: https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/vuon-loc-uyen-va-ba-la-nai-an-do-ben-song-hang-ngan-nam-huyen-thoai.html

CÔNG TY TNHH XÂY DỰNG VÀ NỘI THẤT SUN HOUSES